Doanh nghiệp chật vật vì giá cước vận tải biển vẫn cao

VTV Digital-Thứ tư, ngày 02/03/2022 17:08 GMT+7

VTV.vn - Giá dầu tăng lên hơn 100 USD/thùng do căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại cước vận tải bao gồm cả đường bộ và đường biển tiếp tục tăng.

Chi phí vận chuyển một container 40 feet (FEU) từ châu Á sang Mỹ đang ở mức gần 9.800 USD, gấp hơn 7 lần chi phí cùng một đơn vị đó vào thời điểm trước đại dịch COVID-19. Hiện giá xăng dầu tăng 5 - 10% thì các công ty vận tải cũng cộng thêm 5 - 10% đó vào giá vận chuyển khi chào cho các công ty xuất khẩu. Đồng nghĩa với việc cước vận tải khi cộng vào giá thành sản phẩm của doanh nghiệp cũng tăng.

"Ví dụ trước đây chúng tôi cộng 160 USD/tấn khi giao cho khách sang cảng Hamburg của Đức, nhưng bây giờ thành 300 USD/tấn. Điều này sẽ hạn chế lượng mua của khách hàng bởi giá sẽ cao hơn rất nhiều so với các năm khác. Nhiều khách hàng rụt rè khi đưa ra quyết định mua hàng, họ thường hỏi liệu 2 - 3 tháng nữa cước biển có giảm không thì lúc đó mới đặt hàng", bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc điều hành Công ty Quế hồi Việt Nam VINA SAMEX cho hay.

Doanh nghiệp chật vật vì giá cước vận tải biển vẫn cao - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)

Với công ty cổ phần Công nghiệp Đại Á cho biết, doanh nghiệp này giá cước vận tải biển đến các thị trường truyền thống của họ hiện gấp 6 - 8 lần so với thời điểm bình thường của giữa năm 2020. Do vậy, công ty phải cắt giảm gần một nửa lượng đơn đặt hàng ở các thị trường xa.

"Đến thời điểm hiện tại, các thị trường xa của chúng tôi đang bị giảm khoảng 40% so với thời điểm giá cước vận tải tốt. Chúng tôi tập trung vào kinh doanh ở các thị trường gần hơn", ông Chu Quốc Đạt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghiệp Đại Á cho hay.

Không chỉ cước vận tải tăng mà các doanh nghiệp còn phải đối mặt với tình trạng giao thương quốc tế có nhiều nút thắt do căng thẳng chính trị.

Ông Trần Đức Thành - Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và vận tải Tân Sao Sáng cho hay: "Hiện nay các tàu đã dừng nhận chở hàng đến cảng Saint Petersburg (Nga) và Odessa (Ukrane). Điều này ảnh hưởng lớn đến các nhà xuất khẩu".

Theo các đơn vị giao nhận vận tải, giải pháp tạm thời dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu là ký hợp đồng ngắn hạn có thể theo các đơn hàng và thay vì chọn các điều kiện giao hàng đến tận nước nhập khẩu thì chọn giao hàng theo giá FOB tức trách nhiệm chỉ cần giao hàng lên tàu ở cảng của Việt Nam. Điều này sẽ phần nào giúp doanh nghiệp tránh được mức độ rủi ro về giá cước biến động.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước