Doanh nghiệp châu Âu tin tưởng đầu tư tại Việt Nam

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 09/11/2021 20:34 GMT+7

VTV.vn - Lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu lạc quan hơn về môi trường kinh doanh của Việt Nam sau khi giãn cách xã hội kết thúc.

Vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục vào Việt Nam

Tháng 10 ghi dấu những tín hiệu tích cực hơn trong kiểm soát dịch bệnh và sự chuyển dịch về trạng thái chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, cùng với đó là nỗ lực từ trung ương tới các địa phương đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Nhờ đó dòng đầu tư nước ngoài 10 tháng qua tiếp tục đà tăng trưởng. Cụ thể, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 10 tháng đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh nghiệp châu Âu tin tưởng đầu tư tại Việt Nam - Ảnh 1.

Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 10 tháng đạt 23,74 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Đáng chú ý, 2 chỉ số tăng mạnh là vốn đăng ký mới tăng 11,6%; vốn tăng thêm tăng hơn 24% so với cùng kỳ. TP Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đã trở lại vị trí thứ 2 thu hút đầu tư nước ngoài với trên 2,7 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư. Thành phố cũng dẫn đầu cả về số dự án mới, số lượt dự án điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 12,7 tỷ USD, chiếm hơn một nửa tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây cũng là ngành thu hút được nhiều dự án mới nhất, chiếm 1/3 tổng số dự án đầu tư. Singapore dẫn đầu tổng số 97 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng đầu tư tại Việt Nam

Lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu lạc quan hơn về môi trường kinh doanh của Việt Nam sau khi giãn cách xã hội kết thúc, bắt đầu giai đoạn "bình thường mới" của thương mại và đầu tư. 

Dấu hiệu tích cực và tâm lý lạc quan đã được thể hiện trong Chỉ số Môi trường Kinh doanh EuroCham quý 3 vừa công bố chiều nay (9/11). Chỉ số này đạt 18,3 điểm phần trăm, tăng thêm 3 điểm phần trăm so với quý trước đó. 

Đáng chú ý, 2/3 các doanh nghiệp EU có kế hoạch duy trì hoặc tăng vốn đầu tư trong quý 4. Với việc kiểm soát đại dịch khá tốt ở Việt Nam, sự lạc quan của lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu sẽ tiếp tục tăng khi các công ty trở lại hoạt động bình thường và niềm tin của người tiêu dùng tăng lên.

Với nguồn vốn đầu tư khoảng 16 tỷ USD, 2 dự án điện án điện gió ngoài khơi và sản xuất Hydrogen xuất khẩu tại Việt Nam của Tập đoàn Enterprize Energy, Vương quốc Anh đang được triển khai tại Việt Nam. Đến năm 2030 khi chính thức vận hành, dự án sẽ đóng góp cho nguồn điện của Việt Nam là 5.000 MW mỗi năm.

"Trong cuộc gặp với ngài Thủ tướng Chính phủ tại COP26, chúng tôi thấy rõ rằng Việt Nam đã vạch ra một lộ trình rõ ràng và quyết tâm rất cao để chống lại biến đổi khí hậu. Là một nhà đầu tư tại Việt Nam, đây chính là động lực rất lớn để mở rộng các dự án năng lượng tái tạo trong tương lai", Tổng Giám đốc Tập đoàn Enterprize Energy Malcolm Garrity nhận định.

Doanh nghiệp châu Âu tin tưởng đầu tư tại Việt Nam - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp châu Âu lạc quan hơn về môi trường kinh doanh của Việt Nam sau khi giãn cách xã hội kết thúc. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Trong chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Anh, thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Chính phủ, gần 60 bản ghi nhớ hợp tác đã được doanh nghiệp Việt Nam và các nước thỏa thuận. Tổng giá trị đầu tư cam kết lên đến hơn 30 tỷ USD trong hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư.

"Chúng tôi tin rằng, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ càng và sẵn sàng cho những thách thức trong tình hình mới. Các doanh nghiệp Anh rất quan tâm và muốn tìm hiểu nhiều hơn nữa các cơ hội đầu tư, kinh doanh cũng như tiềm năng của Việt Nam", Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam Christopher David Jeffery cho hay.

"Pháp và các nước phương Tây nhận thấy Việt Nam là một nước công nghiệp có tầm ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới, đặc biệt là chuỗi phân phối sản xuất toàn cầu. Các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Pháp nhìn thấy rõ tiềm năng phát triển kinh tế", Cựu Đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noel Poirier nhấn mạnh.

Trong nước, việc các doanh nghiệp FDI tăng tốc sản xuất cũng góp phần đưa Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 phục hồi, tăng 6,9% so với tháng trước.

Đơn cử toàn bộ nhà máy của Nike ở Việt Nam hoạt động trở lại sau nhiều tháng phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Điều này được báo chí quốc tế như trang Reuters quan tâm. Giám đốc phát triển bền vững Tập đoàn Nike cho biết sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

"Thương mại thuận lợi từ EVFTA tạo ra lợi thế cạnh tranh nhất định của Việt Nam. Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh dài hạn ở Việt Nam", Chủ tịch EuroCham tại Việt Nam Alain Cany cho biết.

Nhận định về thu hút đầu tư FDI của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm, trang The Star của Malaysia cho rằng, có 776 dự án FDI quyết định tăng vốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với số vốn trên 7 tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ. Con số này phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam, bất chấp những tác động ngắn hạn do làn sóng dịch thứ 4 gây ra.

Đó sẽ là những động lực để Việt Nam đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.

Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về môi trường kinh doanh Việt Nam Doanh nghiệp châu Âu lạc quan về môi trường kinh doanh Việt Nam

VTV.vn - Theo EuroCham, dù vẫn ở mức thấp với 18,3 điểm phần trăm, nhưng chỉ số BCI vừa công bố cũng đã ghi nhận những cải thiện về triển vọng kinh tế của Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước