Nông sản Việt ngày càng được ưa chuộng tại châu Âu

Nguyễn Mỹ Linh (PV Đài THVN thường trú tại Pháp)-Thứ hai, ngày 01/11/2021 13:15 GMT+7

VTV.vn - Những sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều tại các siêu thị của Pháp. Nông sản VIệt đang ngày càng được người châu Âu tin tưởng và ưa chuộng.

Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), hiện Pháp là thị trường nhập khẩu rau, quả lớn thứ 2 của Việt Nam tại EU và là một trong những thị trường tiêu thụ rau, quả nhiều nhất của EU.

Năm 2020, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Pháp, Pháp đã nhập khẩu hơn 90 triệu USD các sản phẩm nông nghiệp đến từ Việt Nam. Điều đáng nói, nhiều mặt hàng nông sản và thực phẩm này phục vụ cho các hệ thống siêu thị lớn, đối tượng phần lớn là người Pháp. Một trong những yếu tố làm thay đổi thói quen tiêu dùng này là cách tiếp cận mới cho gần 60 triệu người tiêu dùng Pháp mà các doanh nghiệp nhập khẩu Pháp và các nhà sản xuất Việt Nam đã làm.

"Người tiêu dùng Pháp khi mua một sản phẩm châu Á, hiểu biết của họ thường rất chung chung, vì vậy chúng tôi đã viết vào bao bì "bún để nấu bún bò". Bò bún cùng với phở là 2 món ăn đầu tiên được người Pháp biết đến. Thậm chí ngày hôm nay món bò bún còn được cho vào từ điển", Giám đốc Kinh doanh thị trường Pháp - TT foods Evelyne Pham chia sẻ.

Nông sản Việt ngày càng được ưa chuộng tại châu Âu - Ảnh 1.

Năm 2020, Pháp đã nhập khẩu hơn 90 triệu USD các sản phẩm nông nghiệp đến từ Việt Nam.

Hướng dẫn cách nấu và ăn ngay trên bao bì, gọi theo cách người Pháp gọi, ví dụ như bún để nấu bò bún thay vì là bún bò, nước mắm cho nem thay vì là nước mắm chung chung sẽ khiến người tiêu dùng Pháp nhìn vào các sản phẩm có thể liên tưởng ngay tới những món ăn họ đã thưởng thức tại các nhà hàng Việt Nam, không cần tìm hiểu xem thực phẩm này dùng để nấu món gì.

"Khách hàng châu Âu sau khi khám phá ra một sản phẩm, họ cũng muốn biết làm thế nào để nấu nó và sử dụng nó ra sao cho các bữa ăn hàng ngày. Khi khám phá ra cách nấu, cách ăn sẽ khiến cho người tiêu dùng châu Âu chọn sử dụng ngày một nhiều các sản phẩm của Việt Nam", ông Frantz Crohet, Giám đốc siêu thị Carrefour, vùng Pontault Combault, Pháp, cho hay.

Như vậy, việc chỉ cho người tiêu dùng châu Âu biết nguyên liệu thực phẩm này có thể dùng để nấu những món gì, ăn ra sao ngay trên bao bì là một trong những yếu tố tiếp cận thị trường quan trọng, thay vì mặc định rằng người châu Âu nào cũng có hiểu biết về nông sản và thực phẩm châu Á.

Văn hóa trở thành đòn bẩy đưa thực phẩm chinh phục thị trường

Tuy đang dần chinh phục được người tiêu dùng châu Âu, nhưng xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của Việt Nam như: thủy sản, hạt điều hay cà phê mới chỉ đạt kim ngạch thấp dưới 100 triệu USD.

Ngoài việc đưa ra những chỉ dẫn cụ thể về cách sử dụng và thưởng thức ngay trên bao bì, một yếu tố quan trọng giúp đưa nông sản Việt đến với người tiêu dùng châu Âu là chiến lược maketing dùng văn hóa làm đòn bẩy, đưa ra những lợi ích về hiểu biết văn hóa thông qua nền ẩm thực. Đây là cách các doanh nghiệp nhập khẩu, cung cấp thực phẩm hàng đầu của Pháp, châu Âu đã và đang tiếp tục hướng tới để mở rộng thị trường bán lẻ. Đây cũng là một gợi ý hữu ích cho các nhà sản xuất Việt Nam.

Kết nối con người và kết nối các nền văn hóa thông qua thực phẩm là chìa khóa để phát triển thị trường bán lẻ của Tập đoàn Heuschen Schrouff - một trong những nhà nhập khẩu và phân phối thực phẩm châu Á lớn nhất hiện nay tại châu Âu.

Heushen Schrouff nhập khẩu khoảng hơn 50 thương hiệu khác nhau với gần 5.000 mặt hàng đến từ châu Á và cung cấp cho gần 40 nước trong châu lục. Với cách tiếp cận này trong chiến lược maketing, Heuschen Schrouff đã khiến người tiêu dùng châu Âu đi từ tò mò đến thay đổi cách nhìn với thực phẩm châu Á và khuyến khích họ khám phá các nền văn hóa ẩm thực thông qua sản phẩm.

Nông sản Việt ngày càng được ưa chuộng tại châu Âu - Ảnh 2.

Chiến lược maketing dùng văn hóa làm đòn bẩy là một yếu tố quan trọng giúp đưa nông sản Việt đến với người tiêu dùng châu Âu.

"Từ nhiều năm nay chúng tôi đã giới thiệu cho người tiêu dùng khám phá ra thực phẩm của Việt nam. Một trong những lý do chính là nền ẩm thực Việt Nam rất tốt cho sức khỏe. Các bạn dùng rất nhiều rau, nhiều bún và các sản phẩm từ gạo. Ẩm thực của Việt Nam phù hợp một cách hoàn hảo cho xu hướng tiêu dùng sạch, điều sẽ khiến người tiêu dùng hiện này quan tâm", CEO Tập đoàn Heushen & Schrouff Marc Boits cho hay.

Tương tự, T&T foods hiện là doanh nghiệp nhập khẩu và cung cấp thực phẩm châu Á cho nhiều hệ thống siêu thị của Pháp. Đầu tư cho việc chỉ dẫn địa lý tại các gian hàng châu Á cũng như quảng bá cho các sản phẩm theo hướng tiếp cận văn hóa ẩm thực là hướng đi đã khiến T&T foods có sức tăng trưởng 26% vào năm 2020.

"Thông thường, các nhà sản xuất Việt Nam hay nghĩ đến một thị trường truyền thống là thị trường nhập khẩu để bán cho người tiêu dùng châu Á tại nước ngoài. Xuất phát điểm này hoàn toàn khác, chúng tôi nghĩ cần phải phục vụ người Pháp, cho hơn 60 triệu người dân Pháp. Để thuyết phục người Pháp mua hàng, phải để họ hiểu rằng một trong những cách tốt nhất để biết về một đất nước là thông qua ẩm thực, qua các sản phẩm. Không có lời giới thiệu nào tốt hơn là qua các sản phẩm", ông Khiêm Thành Nhất, CEO T&T foods nhận định.

Quy định mới về nông sản Việt Nam vào Trung Quốc Quy định mới về nông sản Việt Nam vào Trung Quốc

VTV.vn - Đầu năm 2022, Trung Quốc sẽ tiếp tục siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản. Nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu sẽ được thực thi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước