Báo cáo Work Trend Index của Microsoft dựa trên khảo sát từ 31 quốc gia chỉ rõ, xu hướng thế giới là hybrid working - mô hình kết hợp làm việc tại văn phòng và làm việc từ xa, thông tin trên VnExpress.
Khảo sát của Microsoft cho thấy, 81% người lao động muốn tiếp tục làm việc từ xa. Điều này đã được chứng minh theo khảo sát mới nhất của PwC Việt Nam, 33% người tham gia mong đợi một mô hình kết hợp giữa làm việc tại văn phòng với làm việc từ xa.
Dự đoán đến năm 2025, thế hệ Z (sinh từ 1996 - 2012) sẽ chiếm 1/3 độ tuổi lao động của Việt Nam. 80% nhóm này tin rằng, họ có thể làm việc từ xa hiệu quả.
Khảo sát của Microsoft cho thấy, 81% người lao động muốn tiếp tục làm việc từ xa. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp cũng lưu ý rằng, mô hình này phù hợp cho một số lĩnh vực như: công nghệ, truyền thông, quảng cáo, thiết kế, du lịch, thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng... Đối với các ngành nghề đòi hỏi nghiêm ngặt việc bảo mật thông tin và quy trình như ngân hàng, chứng khoán sẽ khó áp dụng mô hình này.
Thời trang nhanh mở gấp sàn đấu online
Mua sắm trực tuyến chính là giải pháp hiệu quả nhất thúc đẩy các thương hiệu thời trang cải thiện doanh số trong thời điểm dịch bệnh kéo dài. Những ông lớn trong ngành thời trang nhanh đã không bỏ lỡ cuộc đua này.
Điển hình như đầu tháng 11/2021, Uniqlo, chính thức triển khai bán hàng trực tuyến tại Việt Nam hay trước đó, 2 thương hiệu thời trang nhanh khác là Zara và H&M đẩy mạnh số hóa trong tất cả các bộ phận của chuỗi cung ứng, thông tin trên Nhịp cầu đầu tư.
Bài toán kinh tế được đặt lên bàn cân khi một cửa hàng đi kèm với các khoản chi phí cố định khổng lồ như phải trả thuê mặt bằng và lương nhân viên cửa hàng. Trong khi đó, bán qua website và kho bãi có chi phí vận hành rẻ hơn nhiều.
Thêm vào đó, báo cáo nghiên cứu của Facebook và Bain & Company, tại Việt Nam, cứ 7 trong số 10 người tiêu dùng đều được tiếp cận kỹ thuật số nên giới chuyên gia cho rằng đã đến lúc các thương hiệu tận dụng cơ hội từ sự chuyển đổi hành vi của người tiêu dùng trong khu vực.
Bưu chính vào mùa cao điểm, đặt mục tiêu "đục trần"
Khi nhu cầu mua hàng trực tuyến tăng lên, những dịch vụ như thanh toán online hay bưu chính cũng phải sắp xếp để đáp ứng nhu cầu người dân.
Sang tháng 10, doanh nghiệp bưu chính từng bước khôi phục sản xuất khi các địa phương dần trở về trạng thái bình thường mới. Tính đến tháng 10/2021, số doanh nghiệp bưu chính tăng thêm 70 doanh nghiệp, thông tin trên Báo Đầu tư.
Các doanh nghiệp bưu chính kỳ vọng sẽ cải thiện tình hình, thậm chí đột phá mạnh và để tận dụng mùa cao điểm cuối năm, họ đều có chiến lược kinh doanh riêng như: mở rộng số điểm thu gom, ban hành các chính sách giá vận chuyển hợp lý, bố trí kho lạnh tại các tỉnh, thành phố để đảm bảo chất lượng hàng tươi ngon.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành này vẫn kỳ vọng sẽ đạt doanh thu năm 2021 là 38.000 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với năm 2020.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!