Cùng với tiến độ bao phủ vaccine phòng dịch COVID-19 đạt kết quả khả quan, Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành kịp thời với cơ chế "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch". Nhờ những điều kiện thuận lợi này, cùng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021 đã có sự khởi sắc.
Nông nghiệp linh hoạt khôi phục sản xuất
Riêng ngành nông nghiệp, sau mức giảm liên tiếp, thậm chí có ngành hàng tăng trưởng âm trong tháng 8, tháng 9, từ tháng 10, tỷ lệ khôi phục sản xuất đã tăng cao.
Tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, hiện hơn 80% doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ đã quay lại đà phục hồi.
Nghị quyết 128 của Chính phủ đã có tác động lớn khi doanh nghiệp được trao quyền chủ động lên phương án tổ chức sản xuất phù hợp, linh hoạt.
Hơn 80% doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương đã quay lại đà phục hồi. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Ngành thủy sản cũng đã lấy lại đà phục hồi khi nhiều doanh nghiệp chuyển hướng mua vật tư từ các tỉnh thay cho TP Hồ Chí Minh. Việc tăng nguyên liệu nhập khẩu để chế biến khi nguồn ngư dân đánh bắt còn hạn chế cũng đã giúp tận dụng cơ hội thị trường cuối năm.
"Với thị trường nước ngoài, chúng tôi mở rộng các thị trường mới, hướng tới các quốc gia ổn định về dịch. Điều này giúp chúng tôi có đầu ra", ông Nguyễn Mạnh Cường, Quản lý nhà máy, Công ty TNHH Thủy sản Hồng Ngọc, Phú Yên, cho hay.
Trong điều kiện khó đưa dịch bệnh về con số 0, việc có một bộ phận chuyên theo dõi sức khỏe công nhân được nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản đánh giá là rất cần thiết để đảm bảo duy trì sản xuất.
Kinh nghiệm triển khai y tế lưu động tại Bình Dương sẽ được vận dụng trong 2 tháng cuối năm để đảm bảo kế hoạch phục hồi. Việc nhiều chuỗi sản xuất đang dần thích ứng với trạng thái bình thường mới, nhiều chuyên gia nhận định về khả năng cân bằng cán cân thương mại và nông nghiệp tiếp tục là ngành có xuất siêu trong cả năm 2021.
Nhiều chỉ số kinh tế tích cực
Theo Tổng cục Thống kê, nhìn chung cả nền kinh tế, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 10 là hơn 4.300 doanh nghiệp, tăng gần 30% so với tháng 9.
Cũng trong tháng 10, cả nước có hơn 8.200 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là hơn 100.000 tỷ đồng, tăng hơn 111% về số doanh nghiệp và tăng gần 74% về vốn đăng ký so với tháng 9.
Kinh tế phục hồi đã kéo theo chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 7%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng hơn 18%. Vận chuyển hành khách tăng hơn 47%. Vận tải hàng hóa tăng 13,5%.
10 tháng qua, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 539 tỷ USD, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại tháng 10 xuất siêu gần 3 tỷ USD. Tính chung 10 tháng, xuất siêu 160 triệu USD, lạm phát được kiểm soát khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng hơn 1,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Kết nối từ chính quyền tới doanh nghiệp khôi phục sản xuất
Những thay đổi kịp thời từ Nghị quyết 128 đã giúp tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp trên cả nước đang từng bước trở lại trạng thái bình thường mới.
Không chỉ vậy, Nghị quyết còn hướng đến những kế hoạch dài hơn và tạo sự tự chủ trong sản xuất của doanh nghiệp với phương châm chính quyền luôn tạo điều kiện và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Không còn tình trạng cát cứ ở từng địa phương, lưu thông được thông suốt, nhiều doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất. Nhiều dự án tiếp tục đường triển khai trong tình hình mới.
Hai tháng cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 được nhiều doanh nghiệp xem là "điểm rơi" của kế hoạch phục hồi. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Xuyên suốt từ trung ương đến địa phương để các địa phương áp dụng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, khôi phục sản xuất và các dự án tiếp tục được triển khai", ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Sơn, cho biết.
Quyết liệt từ Chính phủ, rốt ráo từ địa phương, doanh nghiệp đã và đang thúc đẩy sản xuất. So với tháng 9, tháng 10, lưu thông hàng hóa đã tăng hơn 11%. Nhiều địa phương cũng tiếp tục đổi mới để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo các đại biểu Quốc hội, Nghị quyết 128 đã hướng vào tính dài hơi và tạo tự chủ trong sản xuất cho doanh nghiệp.
"Nếu chúng ta không linh hoạt, không nhạy bén có thể dẫn đến việc tỉnh này, tỉnh khác thực hiện không giống nhau", bà Đặng Bích Ngọc, đại biểu Quốc hội nhận định.
"Việc đầu tiên là doanh nghiệp yên tâm có kế hoạch sản xuất để thích ứng với kịch bản mới. Điểm thứ hai rất tích cực là mỗi lần có thay đổi phải thông báo cho người dân và doanh nghiệp trước 48 tiếng, tức là có tính dự liệu", ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh.
Hai tháng cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 được nhiều doanh nghiệp xem là "điểm rơi" của kế hoạch phục hồi. Do vậy nếu tiếp cận được chính sách phù hợp, thì hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ trở lại rất nhanh.
Hiện các địa phương chủ động xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến của dịch bệnh phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt, năm 2022 là năm thứ hai trong kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, nhưng cũng chính là năm đầu tiên trong chương trình phục hồi kinh tế đang được Chính phủ thiết kế, đòi hỏi những giải pháp đặc biệt.
Những thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số địa phương, sớm tạo ra các vùng động lực mới, cực tăng trưởng mới đã được xác định. Đây chính là cơ sở để thực hiện mục tiêu, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước năm 2022 đạt khoảng 6 - 6,5%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!