Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ GTVT hoàn thiện việc điều chỉnh quy hoạch cảng biển tỉnh Sóc Trăng và bến cảng Trần Đề thuộc quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam để tổ chức thẩm định. Việc điều chỉnh này bắt nguồn từ nhu cầu cấp thiết khi cả vùng ĐBSCL, nơi đang xuất khẩu 95% lượng gạo và 70% lượng trái cây, thủy hải sản của cả nước, hiện chưa có một cảng biển nước sâu để đón những con tàu lớn ra vào.
Gần 20 năm xuất khẩu với sản lượng gần 300.000 tấn/năm, những lô gạo của một doanh nghiệp đều phải vượt hàng vượt quãng đường hàng trăm km từ tỉnh Sóc Trăng đến TP.HCM mới lên được tàu lớn ra nước ngoài. Nguyên nhân là do cả vùng ĐBSCL chưa có cảng biển nước sâu nào.
Ngoài gạo, thủy sản cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL. Một lô tôm xuất khẩu phải mất đến 3 ngày và chi phí vân tải 15 triệu đồng/container để đưa lên cảng tại TP.HCM. Nếu có một cảng biển nước sâu trong vùng, theo tính toán doanh nghiệp có thể giảm đến 70% thời gian và chi phí. Hơn 80% lượng hàng xuất nhập khẩu của 13 tỉnh ĐBSCL đang phải "đi nhờ" tại các cảng biển khu vực Đông Nam Bộ. Vì thế, một cảng biển đầu mối được xem là chìa khóa mở cánh cửa lớn ra biển cho hàng hóa của cả vùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!