Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Điều 35 Nghị định 08 về cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ, theo hướng xoá bỏ hoàn toàn. Cơ chế này quy định nguyên vật liệu mua bán với thương nhân nước ngoài được chỉ định giao nhận tại Việt Nam để sản xuất ra thành phẩm xuất khẩu sẽ không phải đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và không phải chịu thuế.
Trước những lo ngại sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng nội địa của các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may, da giày, điện tử, các hiệp hội đã đề xuất giữ nguyên hiệu lực của cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ đã được hình thành 26 năm, cũng như làm minh bạch hơn những điều kiện để cơ chế được thực thi hiệu quả.
Từ trước đến nay các đối tác nhập khẩu hàng da giày, túi xách thành phẩm của Việt Nam khi mua nguyên phụ liệu của các doanh nghiệp nội địa không phải chịu thuế giá trị gia tăng các giao dịch nguyên liệu, điều này đã khiến tỷ lệ nội địa hoá ngành da giày tăng lên 55%. Nếu xoá bỏ cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc chỉ nhận được đơn hàng gia công.
Cũng giống như ngành da giày, cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ sẽ giúp doanh nghiệp dệt may tiết kiệm được thời gian, chi phí hàng hoá phải vận chuyển kho ngoại quan, tăng khả năng nhận đơn hàng cho doanh nghiệp, giúp sản phẩm dệt may Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện được hưởng ưu đãi thuế trong các hiệp định thương mại tự do.
Các hiệp hội đã đề xuất giữ nguyên hiệu lực của cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ đã được hình thành 26 năm. Ảnh minh họa.
Theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, việc bãi bỏ chính sách thuế xuất nhập khẩu tại chỗ sẽ khiến các doanh nghiệp nước ngoài giảm động lực phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
"Nếu bỏ thì là điều đáng tiếc vì cơ chế này đã hình thành quá lâu và việc chuỗi cung ứng hình thành cơ chế này đã trở thành nhân tố quan trọng. Doanh nghiệp kiến nghị Việt Nam cần giữ cơ chế này để tạo lợi thế cạnh tranh về giá, lợi thế cạnh tranh quốc gia giữa Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia", ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch EuroCham, Thành viên Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục Hành chính của Thủ tướng cho biết.
Cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đều kiến nghị Bộ Tài chính trong ngắn hạn nên giữ nguyên cơ chế hiện tại và mở rộng đối tượng áp dụng không phân biệt thương nhân có hay không có hiện diện tại Việt Nam. Trong dài hạn, cần luật hóa coi cơ chế này như xuất nhập khẩu, hoặc ban hành một cơ chế mới theo đó giữ nguyên sự thuận lợi và ưu đãi thuế cho các giao dịch này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!