Những ngày này, Tổng công ty May 10 luôn rộn ràng tiếng máy may, dập là, để kịp xuất hơn 2 triệu chiếc sơ mi mỗi tháng
"Chúng tôi đang có kín đơn hàng đến hết tháng 1/2025 và trong quý I/2025, chúng tôi cũng ký được khoảng 70%…", ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết.
Còn với Công ty Prosport chuyên về hàng thể thao, các đơn hàng của họ đã có rải rác đến nửa đầu năm. Hiện họ liên tục phải tìm nguồn cung ứng phù hợp để đáp ứng yêu cầu của khách.
Theo các tổ chức quốc tế, dệt may, da giày của Việt Nam tiếp tục chiếm ưu thế cạnh tranh tại các thị trường châu Âu, châu Mỹ, vì thế đơn hàng sẽ không phải nỗi lo của doanh nghiệp trong năm 2025.
Ông Nguyễn Hải Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết: "Trong năm vừa qua chúng tôi quan sát và cũng đón nhiều đoàn sang thăm và khảo sát tại Việt Nam thì mục đích đầu tiên là gia tăng thương mại xuất nhập khẩu, gia tăng mua hàng tại Việt Nam; đồng thời ngoài đầu tư trực tiếp tại Việt Nam thì họ cũng có nhu cầu định hình chuỗi cung ứng của mình".
Nhiều doanh nghiệp dệt may có đơn hàng hết quý I/2025. Ảnh minh họa.
Với vị thế của hàng Việt ngày càng được cải thiện tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các doanh nghiệp cần chú ý đàm phán giá đơn hàng để năng cao giá trị xuất khẩu, cũng như lưu ý về phương thức vận chuyển.
"Có thể nói chi phí vận chuyển sang các nước châu Âu, Bắc Mỹ chưa có biến động lớn dù có tăng so với thời điểm trước. Trong thời gian tới nếu các điểm xung đột được cải thiện lắng dịu sẽ giúp hàng hoá di chuyển nhanh hơn, chi phí thấp hơn", ông Trần Thanh Hải - Phó Cục Trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay.
Bộ Công Thương cũng khuyến nghị doanh nghiệp dệt may cần chuyển đổi nhanh chóng mô hình sản xuất xanh, tuân thủ tiêu chuẩn nhập khẩu bền vững của các thị trường lớn, để tăng cả về lượng và giá xuất khẩu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!