Nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng mạnh

Kate Trần-Thứ năm, ngày 21/11/2024 09:29 GMT+7

VTV.vn - Doanh nghiệp ngành dệt may, da giày đang tăng tốc nhập nguyên phụ liệu để phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu.

Tăng tốc nhập nguyên phụ liệu phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan vừa công bố, trong 10 tháng, nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày đạt 22,82 tỷ USD, tăng mạnh 44,2% (tương ứng tăng 6,99 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 10, cả nước chi 2,42 tỷ USD nhập khẩu nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 3,2% so với tháng 9.

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), dệt may và da giày là hai ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng bình quân trên 10%/năm, tạo ra gần 5 triệu công ăn việc làm, chiếm 22% lao động ngành công nghiệp Việt Nam.

Thống kê cũng cho thấy, trong 10 tháng qua, mặt hàng có kim ngạch lớn nhất là vải các loại đạt 12,27 tỷ USD, tăng 14,7%; nguyên phụ liệu dệt may da giày đạt 5,88 tỷ USD, tăng 19,3%; bông các loại đạt 2,42 tỷ USD, tăng 2,7%; xơ sợi dệt các loại đạt 2,24 tỷ USD, tăng 24,4%.

Đáng chú ý, nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may, da giày nhập khẩu vào Việt Nam trong 10 tháng qua chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng tới 51%, với 12,83 tỷ USD, tăng 22,9%% (tương ứng tăng 2,39 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu ngành hàng dệt may và giày dép trong 10 tháng qua tăng trưởng đáng ghi nhận. Trong đó, xuất khẩu nhóm hàng dệt may đạt 30,57 tỷ USD, tăng 10,5% (tương ứng tăng 2,9 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Còn đối với mặt hàng giày dép, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 18,57 tỷ USD, tăng 12,9% (tương ứng tăng 2,12 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với phóng viên VTV Times, ông ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, xuất khẩu hàng dệt may và da giày nước ta đang ngày càng hồi phục tốt hơn và sẽ tiếp tục khả quan trong 2 tháng cuối năm, nhất là các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...Kéo theo đó là nhu cầu nhập khẩu nguyên phụ liệu tăng mạnh. "Hiện nhiều doanh nghiệp ngành may đã có đơn hàng sản xuất tới hết quý I - II/2025 nên doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu "đầu vào" trong thời gian tới", ông Cẩm nhấn mạnh. 

Cần chủ động "đầu vào", tăng tỷ lệ nội địa hóa

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may, da giày chiếm tỷ lệ cao trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, song đến nay vẫn tập trung ở khâu gia công, khả năng tạo giá trị gia tăng thấp.

Hơn thế nữa, trên 60% giá trị xuất khẩu dệt may thuộc doanh nghiệp FDI dù chỉ chiếm 24% số lượng doanh nghiệp, còn với ngành da giày, doanh nghiệp FDI chiếm gần 80% về kim ngạch xuất khẩu và chỉ chiểm gần 30% về số lượng doanh nghiệp.

Nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng mạnh - Ảnh 2.

Nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng mạnh 2 con số

"Tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may, da giày nước ta còn rất thấp nên giá trị gia tăng thấp. Hiện nguồn nguyên, vật liệu và phụ kiện chủ yếu nhập khẩu từ thị trường ngoài nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN...Và chắc chắn, việc phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tới năng lực sản xuất cũng như sự phát triển chung của 2 ngành này trong thời gian tới", ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp nhận định.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 10 tháng qua, nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may, da giày nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng tới 51%, với 12,83 tỷ USD, tăng 22,9%% (tương ứng tăng 2,39 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã có khuyến nghị doanh nghiệp Việt cần chủ động trong việc tìm kiếm và sử dụng nguồn cung nguyên phụ liệu có khả năng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu về tính bền vững và trách nhiệm xã hội.

Theo đại diện Vitas chia sẻ, tỷ lệ tự chủ nguồn nguyên phụ liệu trong nước cho ngành dệt may vẫn còn thấp do phụ thuộc vào yêu cầu của các khách hàng về chất liệu trong quá trình sản xuất và giá cả. Nguồn cung nội địa không thỏa mãn được những yêu cầu này. Bên cạnh đó, trong bối cảnh ngành dệt may trong nước vẫn còn phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu thì việc nhập hàng từ Trung Quốc vẫn là phương án tối ưu. Đặc biệt, trong bối cảnh nhập khẩu nguyên liệu từ những thị trường mà quá trình vận chuyển có liên quan đến khủng hoảng ở Biển Đỏ thì sẽ rất phức tạp, tốn kém. Do đó, lựa chọn nhập khẩu ở thị trường gần như Trung Quốc là bài toán tối ưu.

Về lâu dài, doanh nghiệp dệt may hiện chưa chủ động nguồn cung nguyên, phụ liệu, nên dù đơn hàng nhiều nhưng đơn giá thấp, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp chưa cao. "Các FTA đem lại nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng Việt, nhưng cũng đặt ra rất nhiều quy định khắt khe về kiểm soát nguồn cung, bắt buộc sản phẩm đáp ứng tỷ lệ xuất xứ nội khối cao. Trong bối cảnh đó, việc phát triển nguồn nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày thực sự cần thiết và là bài toán đặt ra ngày càng cấp bách", ông Cẩm lưu ý.

Còn theo ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam (Lefaso), nước ta cần có những giải pháp đột phá về việc đầu tư vào công nghiệp phụ trợ; trong đó có việc xây và phát triển nguyên phụ liệu cho ngành da giày Việt Nam. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh đầu tư xây dựng những nhà máy có công suất lớn để cung ứng nguyên phụ liệu.../.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước