Năm 2024, với kim ngạch 44 tỷ USD, tăng trưởng gần 11% so với năm 2023, Việt Nam có khả năng vượt Bangladesh, đứng vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu hàng dệt may, chỉ xếp sau Ấn Độ. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì vị trí xuất khẩu trong năm 2025, trong bối cảnh các thị trường yêu cầu sản phẩm may mặc đáp ứng tiêu chuẩn xanh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải nhanh chóng chuyển đổi sản xuất xanh: từ xây nhà xưởng đạt tiêu chuẩn Leed, sử dụng nguồn nguyên liệu tái chế, hệ thống sản xuất giảm phát thải. Theo đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi, tuy nhiên cần nhiều hỗ trợ về vốn và đào tạo nguồn nhân lực để thúc đẩy quá trình này.
Mỗi tháng, công ty Prosport xuất khẩu hàng triệu sản phẩm quần áo thể thao sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ. So với năm ngoái, số lượng đơn hàng yêu cầu đảm bảo tiêu chí thân thiện môi trường và có thể tái chế đã tăng 20% và khách hàng cũng chấp nhận nâng giá 10% so với năm ngoái.
Bà Trần Thị Hà - Tổng Giám Đốc công ty Pro Sports Hà Nội cho biết: "Tăng hơn năm ngoái, với khách hàng châu Âu, họ quan tâm hoà mình vào thiên nhiên nhiều hơn. Do vậy, họ đi hiking, trekking, trượt tuyết, leo núi. Những mặt hàng đó luôn luôn là thế mạnh".
Các doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi, tuy nhiên cần nhiều hỗ trợ về vốn và đào tạo nguồn nhân lực để thúc đẩy quá trình này
Đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, các công ty đã chủ động đầu tư thêm nhiều máy móc, xây dựng nhà xưởng theo tiêu chuẩn Leed để đáp ứng các tiêu chí xanh của đối tác nhập hàng.
Tuy nhiên, hai rào cản lớn hiện nay với các doanh nghiệp khi chuyển đổi sản xuất xanh là vốn và nhân lực. Vì thế, các doanh nghiệp rất cần trợ lực từ phía ngân hàng, các tổ chức đào tạo quốc tế để tháo gỡ điểm nghẽn, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 nêu ý kiến: "Chúng tôi đang thiếu đi nguồn tài chính xanh. Mặc dù các ngân hàng đã có nguồn tài chính xanh. Tuy nhiên, việc giải ngân đến doanh nghiệp hiện nay chưa có. Và chúng tôi vẫn đang sử dụng nguồn vốn tự có để thực hiện công tác chuyển đổi xanh".
Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nêu nhận định: "Chúng ta sớm thành lập quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh, quỹ hỗ trợ tăng trưởng xanh, đặc biệt hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì giả sử vốn tín dụng xanh, trái phiếu xanh, chủ yếu các tổ chức tín dụng hay các nhà đầu tư họ đầu tư hay cho vay đều là các điều kiện thương mại. Còn nếu muốn ưu đãi, hỗ trợ thì rõ ràng, cần phải có một quỹ của Nhà nước".
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ có bộ tiêu chí chuyển đổi xanh để các doanh nghiệp xác định được nghĩa vụ, quyền lợi, mức độ chuyển đổi cần thiết để có thể dễ dàng khơi thông dòng vốn cũng như chuẩn bị đào tạo nhân lực phù hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!