Theo lộ trình hồi phục ngành du lịch, ngày 1/11 tới đây, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai giai đoạn 2, mở lại các tuyến liên tỉnh. Đây được coi là bước tạo đà quan trọng để các doanh nghiệp du lịch quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, cho tới lúc này, chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp lên kế hoạch tổ chức tour liên tỉnh và gần như chưa có các sản phẩm mới. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều trở lại để doanh nghiệp mạnh dạn hoạt động trở lại.
Sớm khởi động các sản phẩm du lịch vùng xanh nội tuyến như: Cần Giờ, Củ Chi…, Vietravel Holdings này đang rất kỳ được mở rộng các tuyến liên tỉnh vào đầu tháng 11 tới đây. Tuy nhiên, đến nay, doanh nghiệp vẫn chưa được các địa phương hướng dẫn, chấp thuận cho triển khai, mỗi địa phương còn quy định một kiểu, khiến doanh nghiệp lúng túng.
"Để cởi trói cho du lịch, trước hết phải cởi trói cho các tỉnh, thành về các điểm đến và việc liên kết giao lưu giữa các tỉnh, thành phải được khôi phục trở lại", ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Holdings, cho hay.
Ngày 1/11 tới đây, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai giai đoạn 2, mở lại các tuyến du lịch liên tỉnh. (Ảnh: PLO)
Các doanh nghiệp cũng chia sẻ, mặc dù muốn kích cầu, nhưng giai đoạn này rất khó hạ giá sản phẩm, bởi chi phí đầu vào đều tăng so với trước. Đây cũng là cái khó để hấp dẫn du khách.
"Giai đoạn hiện nay rất khó trong việc đưa ra một mức giá thấp, vì nhà cung cấp đã đưa cho mình mức giá khá cao bởi có những lý do khách quan mà họ phải tăng chi phí. Do vậy trong giai đoạn này, mặc dù có thể có những chiến dịch kích cầu, tuy nhiên chính sách giá không phải là giá bán rẻ, mà là làm sao tìm được sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu, đặc biệt là phải an toàn", ông Nguyễn Minh Mẫn,Trưởng phòng Truyền thông, Marketing TST Tourist, cho biết.
Theo Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, hiện số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại chỉ có 22 doanh nghiệp, rất ít so với hàng ngàn doanh nghiệp vẫn còn đang đóng cửa. Do đó, để kéo doanh nghiệp quay trở lại thị trường, Hiệp hội kiến nghị ngành ngân hàng cho doanh nghiệp được vay vốn tín chấp, miễn giảm lãi suất các khoản vay, lùi thời hạn trả nợ…, đặc biệt là miễn, giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ du lịch nội địa.
"Thực ra giảm VAT là giảm cho người tiêu dùng, đánh VAT là đánh thuế cho người tiêu dùng. Vì vậy, nếu kích thích cho du lịch trở lại thì nên hỗ trợ giảm hoặc là miễn VAT cho hoạt động du lịch nội địa. Đó mới là kích thích để người dân đi du lịch", bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Đại diện Hiệp hội Du lịch thành phố cũng cho biết, nguy cơ thiếu nhân lực khi ngành "công nghiệp không khói" bước vào giai đoạn phục hồi là rất lớn. Nhiều người lao động đã chuyển sang công việc khác. Vì vậy, khi xây dựng kịch bản hồi phục, các đơn vị cũng phải tính đến phương án kêu gọi người lao động quay trở lại hoặc đào tạo nhân sự phù hợp với sự thay đổi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!