Doanh nghiệp FDI chi phối thức ăn chăn nuôi

VTV-Thứ năm, ngày 28/02/2013 07:18 GMT+7

[] Doanh nghiệp chế biến thức ăn thuỷ sản có vốn nước ngoài đang chiếm tới 70% thị phần, trong khi đó doanh nghiệp trong nước dù cố gắng nhưng vẫn tỏ ra đuối sức trước sự cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoại.

Đến hẹn lại...tăng!

Thức ăn chăn nuôi (yếu tố chiếm đến 80% giá thành) đã liên tục tăng giá. Các đợt tăng giá thức ăn thuỷ sản đều do các doanh nghiệp nước ngoài khởi động nên giá thức ăn thuỷ sản trên thị trường luôn bị các doanh nghiệp này chi phối.

Trong năm qua, tổng mức tăng thức ăn cho cá tra tăng từ 25 – 30%. Giá thức ăn tăng trong khi giá bán cá hầu như không đổi. Cứ 1kg cá người dân nuôi cá tra tại tỉnh Tiền Giang lỗ 2500 đồng nghĩa là cứ mỗi hecta hồ nuôi sẽ lỗ 1 tỉ đồng. Người dân tại tỉnh Tiền Giang đã nhiều lần nghĩ đến việc tìm thức ăn thay thế nhưng phải bỏ cuộc chấp nhận chịu lỗ bởi phụ thuộc hoàn toàn vào các đơn vị bán thức ăn.

Ông Nguyễn Thành Sơn (xã Hoà Hưng, Cái Bè, Tiền Giang) cho biết: “Tính chất xuất khẩu bắt buộc người nuôi cá phải sử dụng thức ăn sạch, thức ăn chế biến qua công nghệ công nghiệp. Nếu mình nuôi theo cá theo cách tự chế biến người ta không nhận”. Chính vì lý do này mà việc giá thức ăn tăng liên tục có ảnh hưởng không nhỏ tới người dân.

Doanh nghiệp chế biến trong nước đuối sức

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp chế biến thức ăn có vốn nước ngoài đang chiếm tới 70% thị phần, trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước dù cố gắng nhưng vẫn tỏ ra đuối sức trước sự cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoại.

Mỗi năm, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Thái Dương sản xuất hơn 150 ngàn tấn thức ăn trong đó có thức ăn cho thuỷ sản. Theo đại diện doanh nghiệp chất lượng thức ăn tương đương với doanh nghiệp ngoại nhưng để bán được lại cần hệ thống phân phối thông qua các đại lý cùng tỉ lệ hoa hồng cao - yếu tố chỉ các doanh nghiệp ngoại có vốn lớn mới đáp ứng được. Ngoài ra, chi phí vốn cao càng khiến doanh nghiệp nội khó cạnh tranh về giá với các đối thủ ngoại.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Điền- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho rằng việc sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn về thức ăn chăn nuôi là hết sức cấp bách.

“Bộ đã chỉ đạo tất cả các cơ quan nghiên cứu về thức ăn chăn nuôi nên đưa ra một công thức thức ăn để người dân áp dụng tự sản xuất ở quy mô nhỏ, quy mô trang trại để chủ động nguồn thức ăn và tận dụng được tất cả những nguyên vật liệu trong nước. Chúng tôi đang nghiên cứu và đề xuất chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước” - ông Nguyễn Huy Điền cho biết.

Giới chuyên môn khuyến cáo cần xây dựng chuỗi sản xuất gắn kết trong ngành thuỷ sản từ khâu giống, thức ăn chăn nuôi, vùng nuôi trồng và thị trường xuất khẩu. Có kiểm soát được giá thành, hạn chế sự chi phối của các doanh nghiệp ngoại như với thức ăn nuôi trồng mới có thể có một ngành thuỷ sản phát triển bền vững.


TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước