Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm hơn 64% kim ngạch xuất khẩu cả nước. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Tính đến 15/10 vừa qua, cán cân thương mại của nhóm doanh nghiệp này có mức thặng dư gần 27,5 tỷ USD.
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, đến ngày 15/10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 248,79 tỷ USD, giảm 2,7% (tương ứng giảm tới 7,01 tỷ USD) so cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 138,13 tỷ USD, giảm 2%, tương ứng giảm 2,8 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm hơn 64% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Kim ngạch nhập khẩu đạt 110,66 tỷ USD, giảm 3,7% (tương ứng giảm 4,22 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019, chiếm gần 56% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Đến ngày 15/10, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 248,79 tỷ USD. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Việc xuất siêu lớn của doanh nghiệp FDI nằm ở hầu hết các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: điện thoại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… Thậm chí, nhiều nhóm hàng trước đây doanh nghiệp trong nước có thế mạnh như dệt may, giày dép… hiện tỷ trọng lớn về kim ngạch cũng đang có xu hướng về tay doanh nghiệp ngoại.
Cập nhật hết tháng 9, doanh nghiệp FDI chiếm gần 93% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của cả nước.
Ngoài điện thoại, các nhóm hàng xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may, thiết bị dụng cụ… doanh nghiệp FDI cũng chiếm ưu thế. Nhóm hàng xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 83,4%; giày dép chiếm 73%; dệt may chiếm 56,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 65%...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!