Nhằm tạo điều kiện phục hồi và tăng trưởng cho các hãng hàng không, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay xuống còn 1.500 đồng/lít trong năm 2022.
Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã khiến ngành hàng không gặp nhiều khó khăn. Với những doanh nghiệp vừa gia nhập thị trường, ảnh hưởng còn lớn hơn do thiếu thốn nguồn lực dự trữ. Vì vậy, nhiều hãng hàng không đã đề xuất sự hỗ trợ đến từ chi phí đầu vào như phí điều hành, hay phí bến bãi tại các sân bay.
Hành khách chuẩn bị làm thủ tục chuyến bay quốc tế tại nhà ga T2, sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: NLĐ)
"Với chủ trương của Chính phủ, từ ngày 15/3 mở cửa du lịch cho khách quốc tế. Đây là tin vui đối với các hãng hàng không. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta mở cửa là chúng ta đi trước, còn quá trình phục hồi và tăng trưởng trở lại thì đâu đó phải từ tháng 7 đến tháng 12. Chi phí đầu vào giảm bớt sẽ giảm khó khăn cho hãng hàng không", Tổng Giám đốc Viettravel Airlines Vũ Đức Biên cho biết.
Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, năm 2020, doanh thu của các hãng hàng không đã giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019 vì không được đón khách quốc tế. Ông Nề cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là vấn đề nguồn vốn.
"Hàng không, du lịch có mối quan hệ rất khăng khít. Tôi cho rằng những chính sách hỗ trợ là hết sức cần thiết, đặc biệt là hỗ trợ những gói tín dụng, kích cầu để đảm bảo cơ sở hạ tầng, giúp doanh nghiệp đỡ khó khăn, người lao động yên tâm trở lại", Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam Bùi Doãn Nề nhận định.
Nhằm tháo gỡ khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp hàng không đã đề xuất Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải xem xét giảm mức thuế nhập khẩu với nhiên liệu hàng không xuống 0% thay vì 7% như hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!