“Mở cửa” bầu trời tạo đà cho hàng không, du lịch “cất cánh”

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 19/02/2022 12:05 GMT+7

VTV.vn - Việc mở lại toàn bộ đường bay không chỉ giúp ngành hàng không cất cánh tiếp cận các thị trường quốc tế, mà còn tạo cơ hội cho du lịch dần khôi phục sau giai đoạn khó khăn.

Việt Nam mở lại toàn bộ đường bay quốc tế

Tuần qua, việc Việt Nam mở cửa trở lại toàn bộ đường bay quốc tế có thể xem là thông tin gây nhiều chú ý nhất bởi sau 2 năm đóng cửa, Việt Nam sẽ mở lại tất cả thị trường trước đây đã khai thác, bình thường như trước khi có dịch, không còn hạn chế về tần suất bay và điểm bay.

Vào giai đoạn trước khi dịch bệnh xuất hiện, trong tổng doanh thu từ vận tải hành khách của ngành hàng không, mức doanh thu từ mảng vận tải khách quốc tế chiếm 60 - 70%. Doanh thu từ mảng vận tải khách nội địa chiếm 30 - 40%.

“Mở cửa” bầu trời tạo đà cho hàng không, du lịch “cất cánh” - Ảnh 1.

Hành khách đi trên chuyến bay quốc tế đầu tiên từ Phnôm Pênh (Campuchia) về Việt Nam hôm 1/1/2022. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Năm 2019, doanh thu từ vận tải hành khách của ngành hàng không đạt con số hơn 300.000 tỷ đồng. Những số liệu này cho thấy, việc phải đóng cửa đường hàng không quốc tế trong suốt 2 năm đã gây ra thiệt hại lớn cho các hàng không.

Do đó, khi lệnh hạn chế tần suất bay đã được dỡ bỏ, các hãng hàng không trong nước đã ngay lập tức lên kế hoạch sẵn sàng để hướng đến mục tiêu dành lại lợi thế cạnh tranh về điểm đến từ khách du lịch quốc tế và cả các nhà đầu tư.

Hàng không nỗ lực nối lại bay quốc tế

Hãng hàng không Bamboo Airways đã có kế hoạch khai thác các đường bay quốc tế ngay từ đầu năm. Việc mở rộng quy mô mạng bay lên gần 40 đường bay quốc tế cũng đã được hãng đặt ra.

"Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả các đường bay quốc tế có thể bay tới được và đáp ứng nhu cầu thị trường của Việt Nam. Thời điểm quyết định mở cửa lại từ ngày 15/2 với hàng không quốc tế là thời điểm chính xác, giúp cho Việt Nam có nhiều ưu thế hơn các nước trong khu vực", Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways Đặng Tất Thắng cho biết.

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines hiện đã khôi phục lại 22 đường bay tại 13 thị trường quốc tế tới các nước khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Australia, châu Âu, Hoa Kỳ. Hiện tần suất bay còn khiêm tốn do yêu cầu phòng chống dịch khá chặt chẽ. Tuy nhiên, hãng bay cho rằng nhu cầu sẽ gia tăng tỷ lệ thuận với tốc độ tiêm vaccine và kiểm soát dịch bệnh.

"Vietnam Airlines đã ngay lập tức lên kế hoạch khai thác trở lại các đường bay trước đây chúng tôi đã từng khai thác, cũng như tăng tần suất trên các đường bay hiện đã, đang khai thác. Dự kiến đến tháng 4, chúng tôi sẽ khôi phục hầu hết các đường bay quốc tế đến Việt Nam như trước đây chúng tôi đã từng khai thác, đồng thời tăng tần suất lên 95 chuyến/tuần", ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển, Vietnam Airlines, chia sẻ.

Mở cửa bầu trời tạo đà cho du lịch "cất cánh"

Đường băng đã sẵn sàng giúp ngành hàng không cất cánh tiếp cận với các thị trường quốc tế. Cũng từ đường băng này, lĩnh vực du lịch quốc tế sẽ có cơ hội dần khôi phục sau giai đoạn dài chìm trong khó khăn.

Năm 2019 - thời điểm trước khi dịch COVID-19 xảy ra, tổng thu của ngành du lịch là 755.000 tỷ đồng. Đến năm 2021, sau 2 năm đại dịch hoành hành, con số này chỉ còn 180.000 tỷ đồng.

Theo Hội đồng Tư vấn Du lịch, nếu làm tốt, du lịch hoàn toàn có thể mang trở lại từ 300.000 - 400.000 tỷ đồng trong năm nay.

Bước đà từ việc mở cửa bầu trời quốc tế sẽ giúp Việt Nam thu hút trở lại lượng khách du lịch quốc tế vốn chiếm trên 55% tổng doanh thu của ngành du lịch. Xét về lượng, khách quốc tế ít hơn nhưng tiêu tiền nhiều hơn. Nhờ đó, doanh thu từ khách quốc tế nhiều hơn doanh thu từ khách nội địa.

Dữ liệu của Google cũng cho thấy, ngay từ tháng 1 đầu năm nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam tăng 425% so với cùng kỳ năm 2021. Du khách Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Canada có lượng tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam nhiều nhất.

Do vậy, việc ngành hàng không đã "đi trước một bước" được cho sẽ giúp ngành du lịch không bị chậm chân trong cạnh tranh thu hút khách du lịch quốc tế. Ngày 15/3 đang được đề xuất là thời điểm mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của các thành viên trên thị trường.

Nhiều ý kiến ủng hộ mở lại hoàn toàn du lịch quốc tế từ 15/3

"Tất cả những người làm trong ngành đã ủng hộ rất cao. Về mặt chuẩn bị, tôi nghĩ rằng, tất cả các công ty lữ hành, hãng hàng không, khách sạn đều đã sẵn sàng phục vụ. Tôi tin rằng chúng ta sẽ có lợi thế rất tốt khi nhiều nước vẫn đang đóng cửa, chúng ta có cơ hội sẽ hấp dẫn khách từ châu Âu, Anh, Mỹ…", Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch Trần Trọng Kiên nhận định.

"Đây là một quyết định đúng đắn và là một điểm thu hút mới. Chúng ta mở càng sớm càng tốt, đi trước đón đầu, bởi lượng khách mong muốn vào Việt Nam cũng rất cao", ông Nguyễn Bá Luân, Tổng Giám đốc Chuỗi khách sạn thuận ích SOJO Hotels, đánh giá.

Trong kinh doanh, thời điểm luôn rất quan trọng. Với lĩnh vực du lịch, mùa cao điểm du lịch đang đến gần. các quốc gia khác cũng đang khẩn trương để có thể đón một lượng lớn khách du lịch quốc tế. Việc sẵn sàng cho một đường băng giúp ngành hàng không, du lịch cất cánh kịp thời tránh bị bỏ lại phía sau và mất đi thị phần là rất cần thiết.

Ở thời điểm hiện tại, nếu có sự chuẩn bị sẵn sàng kỹ lưỡng, Việt Nam thậm chí còn chiếm lĩnh được những thị trường mới, khách hàng mới bởi không phải hãng không hay quốc gia nào cũng đều mở cửa và triển khai đường bay quốc tế.

Hàng không đi trước tạo đà cho du lịch và khi lượng khách quốc tế trở lại sẽ là sự cất cánh của nhiều lĩnh vực kinh tế khác.

Đơn cử ngay như những người lao động, các hộ kinh doanh tại những vỉa hè, con phố vốn sống dựa vào hoạt động từ khách du lịch đang rất mong chờ được thấy sự trở lại của khách quốc tế, và chỉ có khách du lịch mới có thể mang lại sự sôi động vốn có của những con phố du lịch này. Dù trong thời gian dài vắng vẻ tiêu điều, nhiều người lao động, nhiều hộ kinh doanh đã gắn bó với những con phố này vẫn đang bám trụ, chờ đợi và hy vọng ngày hồi sinh của những con phố này, nhất là sau thông tin hàng không quốc tế mở không còn hạn chế, du dịch quốc tế cũng sẽ mở 100%.

Sự lạc quan hồi sinh con phố du lịch

Gần 20 năm chạy xe ôm, ông Hùng chọn con đường Đồng Khởi - vốn là nơi mua sắm nhộn nhịp bậc nhất ở đất Sài Gòn, làm bến đỗ. Cửa hàng cửa hiệu giờ cũng đóng cửa nhiều, khách du lịch nước ngoài không có, nhưng ông Hùng vẫn bám trụ ở con đường này.

"Cái thành phố này sống nhờ du lịch, không có du lịch chỉ có chết. Khách khứa từ từ có rồi đó, bắt đầu có vẻ sáng sủa lại rồi. Khách vào sẽ có tiền, thu nhập, ăn uống ngoài đường, chợ Bến Thành sẽ mở ra…", ông Hùng chia sẻ.

Từ một nơi buôn bán nhộn nhịp chuyên phục vụ cho nhóm khách hàng Hồi giáo từ Malaysia hay Indonesia, trong suốt 2 năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, người dân ở đây gọi con đường này là "con đường chết". Dấu ấn của "con đường Mã Lai" giờ chỉ còn là những biển hiệu im ắng và bạc màu.

Nhà hàng Osman là nhà hàng duy nhất vẫn mở cửa. 4 ngày mở bán lại, mỗi ngày chỉ đón vài chục lượt khách, nhưng với anh Abdolloh, chắc chắn tình hình sẽ khả quan hơn.

"Tối hôm qua có một lượng khách khá đông đến, toàn là những khách mới. Do mới mở cửa, bên em cũng chuẩn bị, tìm nhân viên, sắp xếp bàn ghế…, cũng mong khách về sớm hơn để kinh tế có thể hồi phục", anh Abdolloh, Quản lý Nhà hàng Osman, quận 1, TP Hồ Chí Minh, nói.

Ông Hùng (xe ôm) chỉ đứng đến 9h sáng, sau đó ông sẽ đi làm việc khác. Phố Mã Lai sau dịch COVID-19 hiện có thêm cả nhà hàng Nhật Bản. Vì dịch, nhiều người, nhiều thứ đã phải thay đổi để tồn tại. Các con đường du lịch vẫn vắng khách, nhưng sẽ không thiếu đi sự lạc quan khi ngành du lịch hồi sinh.

Theo khảo sát của Booking.com với hơn 28.000 người từ 28 quốc gia trên thế giới, 71% người được hỏi khẳng định việc đi du lịch trở lại còn quan trọng hơn tìm được một tình yêu đích thực.

“Mở cửa” bầu trời tạo đà cho hàng không, du lịch “cất cánh” - Ảnh 2.

Khách du lịch quốc tế tại Việt Nam trước thời điểm bùng phát dịch bệnh. (Ảnh: PLO)

Tuy nhiên, không chỉ du khách, các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không, du lịch vẫn còn băn khoăn về chính sách visa, xét nghiệm COVID-19, cách ly... Họ cần nắm được các chính sách cụ thể để có thể đưa ra các sản phẩm phù hợp hay đẩy mạnh các chương trình truyền thông hút khách.

Nhiều du khách quốc tế đã sắp sẵn đồ dùng cần thiết và đang lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ trên bãi biển đầy nắng và cát hay khám phá những vùng đất hoang sơ với nhiều nét văn hóa đặc sắc tại Việt Nam. Tuy nhiên để quyết định đặt vé máy bay và tour du lịch, nhiều du khách còn đang chờ đợi các hướng dẫn cụ thể về thủ tục, bảo hiểm, các quy định về xét nghiệm, tự cách ly thế nào, chưa kể rủi ro hủy chuyến…

"Quy định mới là khách quốc tế khi vào Việt Nam phải đóng phí bảo hiểm 30 USD/người để hưởng mức bảo hiểm 10.000 USD nếu phải điều trị COVID-19. Vậy bảo hiểm này mua ở đâu, mua online hay ngay tại sân bay?", một tài khoản mạng xã hội thắc mắc.

"Du khách tự cách ly 24 tiếng và xét nghiệm nhanh hoặc PCR, tức là là tự xét nghiệm được hay phải tìm đến cơ sở y tế?", một tài khoản mạng xã hội khác nói.

"Nếu đi ra ngoài tìm đến cơ sở y tế để xét nghiệm thì có gọi là tự cách ly nữa không?", một tài khoản khác đặt câu hỏi.

"Mong có những hướng dẫn thực sự cụ thể, chi tiết để du khách yên tâm du lịch, hạn chế rủi ro bùng phát dịch trong chuyến đi, sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới trải nghiệm và kế hoạch du lịch", một tài khoản khác bày tỏ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng lo lắng các kế hoạch mở đường bay, mở cửa du lịch có những thay đổi đột ngột về chính sách, buộc doanh nghiệp phải chạy theo. Các hãng hàng không cũng đề nghị sớm triển khai lại chính sách miễn thị thực như trước khi có dịch để gia tăng dung lượng thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nhìn chung các phản hồi trên mạng xã hội đều rất tích cực, không chỉ với du khách, mà đặc biệt với những người bạn, người thân buộc phải cách xa nhau trong vài năm qua.

Để hút khách trở lại, bên cạnh an toàn, cần tạo được sự chắc chắn, nghĩa là cần đảm bảo chuyến đi của họ chắc chắn diễn ra. Điều này được thể hiện ở sự thống nhất trong các chính sách, tránh mở rồi lại đóng cửa. Không chỉ trong lĩnh vực hàng không hay du dịch, sự chắc chắn thể hiện ở những chỉ đạo thống nhất và xuyên suốt của các bộ ngành, để tạo một đường băng bằng phẳng sẵn sàng cho những sự cất cánh tiếp theo của nền kinh tế.

Tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương đưa các chính sách hỗ trợ nhằm phục hồi kinh tế xã hội vào thực tiễn ngay trong quý 1. Đây có thể xem là một đường băng tạo sức bật cho nhiều lĩnh vực của nền kinh tế

Đường băng chính sách tài khóa được xem là triển khai sớm nhất. Ngay từ 1/2/2022 thuế Giá trị gia tăng (VAT) của nhiều mặt hàng được giảm từ 10% xuống còn 8%. Không chỉ giảm thuế giá trị gia tăng, những doanh nghiệp ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 sẽ được tính vào chi phí được trừ khi đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo tính toán của Bộ Tài chính thì dự kiến chính sách này và giảm thuế giá trị gia tăng sẽ có tác động giảm thu ngân sách của Nhà nước khoảng trên 51.000 tỷ đồng.

Ngân hàng tiếp tục miễn giảm lãi suất cho vay

Đường băng tiếp theo là chính sách tiền tệ, với điểm nhấn là hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng Nghị định hướng dẫn. Trong lúc chờ đợi, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã chủ động đưa ra các gói vay ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp.

Tại ngân hàng PVcomBank, mức lãi cho vay thấp nhất chỉ từ 5%/năm. Những nhóm ngành được tập trung vốn nhiều nhất là xuất nhập khẩu, nông lâm nghiệp, cho vay tiểu thủ công nghiệp, du lịch, lưu trú...

Một số ngân hàng nước ngoài còn đưa ra mức ưu đãi cho vay thấp hơn, nhờ họ có lợi thế về nguồn vốn đầu tư giá rẻ từ nước ngoài.

Song song với giảm lãi suất, các ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn, hoãn nợ để các doanh nghiệp có thể thêm thời gian phục hồi.

Các lĩnh vực kinh tế xã hội được kỳ vọng sẽ có sự khởi động mạnh mẽ từ các chính sách kích thích đang được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt và hiệu quả. Như vậy, không chỉ là đường băng cho lĩnh vực hàng không, hay du lịch, nhiều đường băng khác cũng đã sẵn sàng tạo động lực cất cánh cho nền kinh tế.

Mở cửa du lịch: “Chớp thời cơ” phục hồi ngành công nghiệp không khói Mở cửa du lịch: “Chớp thời cơ” phục hồi ngành công nghiệp không khói

VTV.vn - 15/3 là ngày ngành du lịch Việt Nam đang ngóng chờ. 6 bộ ngành liên quan đã cùng đề xuất mở cửa hoàn toàn du lịch như trước khi có dịch COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước