Những âm thanh sản xuất, lao động đã rộn ràng trở lại trên hầu hết các lĩnh vực. Dù ngày làm việc đầu tiên của năm mới Nhâm Dần bắt đầu vào mùng 7 Tết, nhưng không khí làm việc tại nhiều nơi đã vô cùng hối hả, khẩn trương.
Ngay cả với những ngành nghề được cho là sẽ khởi động muộn sau Tết, như bất động sản cũng đã nhanh chóng nhập cuộc để bắt kịp với nhu cầu của thị trường. Một năm làm việc mới đã bắt đầu, với nhiều tín hiệu tích cực.
"Công ty đã có một số dự án đã được ký kết từ trong năm, nên việc triển khai dự án gấp gáp trong đầu năm 2022, không khí rất sôi động. Hôm nay công ty tổ chức buổi training đào tạo cho các cán bộ nhân viên trong đầu năm 2022 để dự án có thể triển khai ngay từ đầu năm", ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản EZ Việt Nam, cho biết.
Không còn tâm lý "tháng Giêng là tháng ăn chơi", những người nông dân cũng đã ra đồng thu hoạch nông sản ngay từ rất sớm, vừa để phục vụ các đơn hàng xuất khẩu, vừa kỳ vọng một năm mới được mùa, được giá.
Nông dân xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, thu hoạch cà rốt. (Ảnh: TTXVN)
"Điều mong mỏi nhất của bà con nông dân là sản xuất càng nhiều càng tốt, giá càng cao bà con càng đỡ khổ", nông dân xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, chia sẻ.
Bà con nông dân tại Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay thu nhập từ cà rốt vào khoảng 10 triệu đồng/sào, cao gấp nhiều lần trồng lúa. Củ cà rốt của họ đã xuất khẩu được sang nhiều nước châu Á. Họ hy vọng năm nay sẽ xuất khẩu được sang thị trường châu Âu.
"Hiện nay chúng tôi mới thu hoạch được 1/3 diện tích. Sang năm mới chúng tôi hy vọng củ cà rốt sẽ được tiêu thụ tốt hơn nữa ở thị trường trong nước cũng như thế giới, nhằm nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho bà con", ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp, xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, cho hay.
Những chuyến hàng xoài, mít, thanh long… đầu tiên trong năm nay đã được xuất sang Trung Quốc. Theo đại diện tỉnh Lạng Sơn, từ mùng 3 Tết, khoảng 300 container hàng nông sản đã được xuất khẩu.
"Tôi là người đầu tiên lái xe xuất khẩu sang Trung Quốc. Tôi rất vinh dự và phấn khởi, mong rằng chúng ta sẽ xuất được nhiều hàng sang nước bạn", anh Vũ Ngọc Bảo, lái xe, bày tỏ.
"Rất chi là mừng vì những năm trước đến ngày mùng 7 Trung Quốc mới thông quan. Năm nay thông quan sớm hơn 3 - 4 ngày", chị Hoàng Thị Lê, doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đức Phong, nói.
Mở cửa thông quan sớm, từ mùng 3 Tết đến nay, các cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh, cửa khẩu quốc tế Kim Thành, Lào Cai hoạt động xuất nhập khẩu vẫn được duy trì trong những ngày Tết. Khoảng 500 container hàng đã được xuất đi, trong đó phần lớn là hàng nông sản.
Nhà máy, xí nghiệp nhanh chóng chuẩn bị đơn hàng
Còn tại các khu công nghiệp, các nhà máy, không khí lao động sản xuất cũng đã sớm trở lại. Nhiều doanh nghiệp cũng cắt ngắn kỳ nghỉ Tết để kịp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cũng như hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu ngay trong tháng Giêng.
Tại Công ty Vĩnh Thành Đạt, 60% công nhân đã quay trở lại làm việc từ mùng 4 Tết với tâm lý ổn định. Tăng tiền lương, thưởng, tặng vé xe, tổ chức chuyến xe đưa đón, thưởng tiền cho công nhân quay lại làm việc đúng lịch là giải pháp doanh nghiệp thực hiện để "kéo" công nhân quay lại nhà máy. Bởi vậy doanh nghiệp có thể hoạt động ổn định ngay sau kỳ nghỉ lễ.
"Cố gắng hết bằng mọi cách để giữ tiền thưởng cho công nhân, người lao động cao hơn hoặc ít nhất là bằng so với năm qua. Trong đó khoảng 30% là thưởng cao hơn", ông Trương Chí Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho biết.
Không về quê dịp Tết nên năm nay, được nghỉ 9 ngày là quãng thời gian dài với chị Thương (công nhân Xí nghiệp Sơ mi Hà Nội, Tổng Công ty May 10). Ngày đầu tiên quay trở lại bàn máy khâu, chị đã hối hả để kịp chỉ tiêu đề ra.
"Rất nhớ công việc của mình và rất muốn đến công ty làm việc. Tôi cũng mong sao năm nay đại dịch COVID-19 qua đi để tổng công ty sẽ đạt được thuận lợi", chị Nguyễn Thị Thương nói.
Nếu như mọi năm, sau Tết là thời gian thấp điểm của ngành may vì ít đơn hàng xuất khẩu, nhưng năm nay lượng đơn hàng tăng 15%, nhiều đơn hàng yêu cầu ngay trong tháng 2 khiến doanh nghiệp quay lại phải ráo riết làm việc.
"90% lượng công nhân quay trở lại làm việc. Sau nhiều tháng veston không có đơn hàng thì các khách hàng đã đặt hàng sản phẩm veston đã kín đến hết quý 3 của năm 2022. 1 - 2 tuần nữa chúng tôi phải giao hàng cho các khách hàng lớn ở thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các thị trường khác", ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho hay.
Những âm thanh sản xuất, lao động đã rộn ràng trở lại trên hầu hết các lĩnh vực. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Không chỉ dệt may, mà các ngành xuất khẩu tỷ đô của Việt Nam như da giày, điện tử, nông lâm thủy sản cũng bắt tay ngay đón những đơn hàng xuất khẩu lớn đầu năm. Với nền tảng kim ngạch xuất khẩu đạt 670 tỷ USD năm 2021, năm nay được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc theo đà phục hồi của các thị trường chủ đạo của Việt Nam.
Kỳ vọng mới cho năm Nhâm Dần
Nhịp lao động sản xuất trở lại ngay từ ngày làm việc đầu tiên đã mang theo nhiều kỳ vọng cho năm mới.
"Trong 2022, chúng tôi rất kỳ vọng sự phát triển ổn định của nền kinh tế, trong đó đặc biệt là gói kích thích kinh tế của Chính phủ. Với gói hỗ trợ Quốc hội thông qua là nguồn động lực rất lớn để những mảng như bất động sản, sản xuất, dịch vụ khác phát triển. Bên cạnh đó, việc kiểm soát dịch bệnh cũng là điều quan trọng nhất để nền kinh tế phát triển một cách bình thường", ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản EZ Việt Nam, chia sẻ.
"Nền kinh tế của thế giới cũng như của Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm 2022. Đón trước được xu hướng đó, chúng tôi đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực để đón đầu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng", ông Nguyễn Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hateco Logistics, cho hay.
"Năm nay, chúng ta đã thấy những tín hiệu tích cực, những chuyến bay được lấp đầy... Một năm sau khi lò xo nén, chúng ta sẽ bật lên. Chúng tôi kỳ vọng trong năm nay, toàn xã hội sẽ phát triển", ông Vũ Gia Luyện, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ quốc tế ITS, nhận định.
Trên thực tế, trong tháng đầu tiên của năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Với những tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm, xuất nhập khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu đã đề ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!