Dự kiến, từ ngày 1/7, TP Hồ Chí Minh sẽ thu phí hạ tầng cảng biển, thấp nhất là 15.000 đồng/tấn và cao nhất là 4,4 triệu đồng/tấn, tùy chủng loại hàng hóa và container.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã xin ý kiến giãn thời gian thu phí hạ tầng cảng biển thêm 3 tháng, bắt đầu vào 1/10. Dù vậy, theo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, mốc thời gian 3 tháng vẫn là quá ngắn để doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất và ổn định dòng tiền.
Xuất nhập khẩu mỗi tháng từ 200 - 250 container hàng hóa thông qua cảng Cát Lái, một doanh nghiệp cho biết, cộng thêm phí hạ tầng cảng biển, doanh nghiệp sẽ tốn thêm hàng tỷ đồng mỗi tháng.
"Nếu thêm chi phí hạ tầng cảng biển, tôi nghĩ đây là khó khăn chồng khó khăn. Nếu giãn được thì tốt, kéo dài đến cuối năm hoặc nếu phải thu thì giảm 30 - 50% là phù hợp", ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu Nam Thái Sơn, cho hay.
Theo chuyên gia, việc lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn là hợp lý. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, hoạt động xuất khẩu sẽ bị tác động mạnh nếu thêm phí hạ tầng cảng biển. Khi các mặt hàng Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh về giá, việc thu phí này làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, khiến hàng xuất đi chênh lệch lớn so với các đối thủ ngoại.
"TP Hồ Chí Minh cũng nên có sự ưu ái cho các doanh nghiệp trong tình hình hiện nay, có thể giãn đến cuối năm rồi mới tiến hành thu. Mục đích của hoạt động này là giảm ùn tắc cảng biển hơn là để thêm giá trị gia tăng nên chúng tôi cũng kiến nghị TP Hồ Chí Minh có ý kiến xin Chính phủ hỗ trợ để giải quyết càng nhanh càng tốt vấn đề ùn tắc cảng biển", ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nhận định.
Theo PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, TP Hồ Chí Minh đang xây dựng Đề án "Tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030", quan trọng làm sao trung ương tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP Hồ Chí Minh. Việc giải bài toán tăng tỷ lệ ngân sách để lại sẽ giải được bài toán đầu tư kết nối hạ tầng.
"Hiện nay, TP Hồ Chí Minh chỉ thu hộ nguồn thu thuế xuất nhập khẩu, 1 năm thu hộ khoảng 130.000 tỷ đồng. Thu hộ sau đó chuyển toàn bộ về ngân sách trung ương. Trong khi đầu tư bằng ngân sách thành phố và đòi hỏi sự chia sẻ của doanh nghiệp", PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Chuyên gia này cũng nêu quan điểm, việc lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn là hợp lý, có thể tính đến cuối năm 2021 mới bắt đầu thu.
Cùng với các kiến nghị của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội về việc lùi ngày thu phí, chưa thu phí trong giai đoạn dịch bệnh, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết đang xin ý kiến thành phố, giãn thời gian thu phí hạ tầng khu vực cảng biển TP Hồ Chí Minh thêm 3 tháng, tức là bắt đầu thu vào 1/10.
Trong tờ trình gửi HĐND TP Hồ Chí Minh, Sở Giao thông Vận tải cho biết, mốc thời gian 3 tháng được dựa trên kịch bản dịch COVID-19 có thể cơ bản được khống chế vào khoảng tháng 7, các doanh nghiệp có khả năng phục hồi trong 2 tháng tiếp theo. Khoản tiền dự thu trong 3 tháng này là khoảng 723 tỷ đồng sẽ là cơ sở để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, ổn định dòng tiền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!