Hôm nay (14/1), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực tại Việt Nam.
Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2035, CPTPP có thể giúp GDP tăng 1,32% và xuất khẩu tăng 4,04%. Từ nay, hàng hóa xuất khẩu qua lại giữa các nước trong nội khối CPTPP sẽ được hưởng nhiều mức thuế ưu đãi lớn. Trung bình mức thuế được cắt giảm sẽ vào khoảng hơn 60% cho lần đầu tiên; sau 3 năm sẽ tiếp tục chạm mức trên 80%.
Điện thoại, máy tính là 2 mặt hàng tiêu biểu của Việt Nam sẽ rộng cửa vào Singapore. Nhật Bản cam kết cắt giảm 86% dòng thuế, tập trung vào sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam như: dệt may, thủy sản, đồ gỗ.
Nhờ CPTPP, lần đầu tiên Việt Nam tiếp cận được 2 thị trường lớn thứ 11 và 14 của thế giới là Canada và Mexico. Cơ hội thấy rõ cho các sản phẩm may mặc, đồ gỗ, thủy sản, cà phê. New Zealand và Austraulia sẽ cắt giảm mạnh thuế suất cho da giày, dệt may của Việt Nam. Nhiều sản phẩm dệt may và đồ gỗ được xóa bỏ hoàn toàn thuế trong nội khối CPTPP.
Tuy nhiên, thách thức cũng đến với nhóm ngành chăn nuôi. Sản lượng xuất khẩu trong lĩnh vực chế biến thực phẩm có thể giảm 8% khi thịt bò, thị gà đông lạnh từ Canada, Australia, New Zealand, Mexico sẽ tràn vào Việt Nam.
Hiệp định CPTPP có hiệu lực sẽ góp phần gia tăng hiệu ứng tích cực quá trình hợp tác thương mại toàn cầu của kinh tế của Việt Nam. Đây được coi là một trong những điểm nhấn nổi bật nhất trong "diện mạo" hội nhập kinh tế quốc tế trong năm 2019.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!