Tại Trung Quốc, ngành sản xuất đang phải đối mặt với áp lực lớn, khi hoạt động của các nhà máy liên tục thu hẹp trong nhiều tháng qua, do áp lực từ nhu cầu yếu. Để vượt qua các giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang phải đẩy mạnh các nỗ lực số hóa, thay đổi phương thức hoạt động.
Tại các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ và vừa, các nỗ lực chuyển đổi này đang được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các chủ doanh nghiệp thuộc thế hệ thứ hai, những người đang dần tiếp quản công việc kinh doanh từ gia đình.
Chị Robyn và trợ lý đang thực hiện một đoạn video ngắn để giới thiệu về nhà máy của gia đình tại tỉnh Giang Tô. Thông qua các nền tảng như Instagram hay TikTok, chị có thể dễ dàng kết nối trực tiếp với các khách hàng tại nước ngoài. Đây là cách thức hoàn toàn tương phản với hình thức kinh doanh truyền thống của gia đình chị, vốn phụ thuộc nhiều vào các bên trung gian, hoặc những khách hàng lớn.
Chị Robyn Qiu, chủ doanh nghiệp sản xuất cho hay: "Tại Trung Quốc, bạn có thể thấy mọi người kiếm được hàng tỷ đô la Mỹ từ các video ngắn và thương mại điện tử. Lúc đầu tôi chưa hiểu rõ lắm nhưng sau đó, đã dần nhận ra, vì sao họ lại thành công. Đây là một kết quả hoàn toàn xứng đáng".
"Tôi đã xem những video ngắn của con gái mình và thấy chúng rất hay. Tôi nghĩ điều này có thể giúp các nhà máy sản xuất của Trung Quốc nhận được nhiều đơn hàng từ nước ngoài hơn", ông Qiu Zhirong, chủ doanh nghiệp sản xuất chia sẻ.
Cũng giống như nhiều doanh nghiệp sản xuất khác, công ty gia đình của chị Robyn đã rơi vào tình trạng khó khăn trong những năm gần đây, do áp lực từ nhu cầu yếu, chi phí cao, và các biến động địa chính trị. Để thích ứng, doanh nghiệp đã đẩy mạnh các nỗ lực số hóa, không chỉ trong quảng bá sản phẩm mà còn cả sản xuất. Nhiều thiết bị tiên tiến đã được mua về để nâng cao mức độ tự động hóa.
Bà Cao Suzhen, chủ doanh nghiệp sản xuất cho hay: "Tôi nghĩ việc robot thay thế sức lao động con người trong ngành sản xuất sẽ ngày càng mạnh mẽ, và con đường phía trước khá khó khăn. Chuyển đổi là cách duy nhất".
Những nỗ lực chuyển đổi như vậy dự kiến sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tại Trung Quốc, khi ngày càng có nhiều chủ doanh nghiệp thuộc thế hệ thứ hai như chị Robyn tiếp quản công việc kinh doanh từ gia đình.
Chị Robyn Qiu, chủ doanh nghiệp sản xuất cho hay: "Dần dần, sẽ có nhiều người sáng lập nhà máy nghỉ hưu, hoặc không còn đủ năng lượng để xử lý những thách thức mà ngành sản xuất đang phải đối mặt. Kỳ vọng hiện đang được đặt vào thế hệ thứ hai, những người trẻ tuổi hơn sẽ tiếp quản việc kinh doanh, có đủ động lực và khả năng để tìm ra giải pháp".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!