Doanh nghiệp thay đổi để thích nghi và phát triển

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 25/01/2023 21:14 GMT+7

VTV.vn - Đại dịch và những biến động trên thế giới đã khiến nhiều doanh nghiệp thay đổi để thích nghi và phát triển.

Vươn lên sau đại dịch

Đại dịch và những biến động trên thế giới thời gian qua đã khiến cả thế giới lâm vào một trong những thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử. Thực tế này đã buộc nhiều người phải sống chậm lại và suy ngẫm về cách đối xử với đồng loại và môi trường xung quanh, để thấy cái gì mới thực sự là quan trọng và chúng ta muốn gì.

Đặc biệt, với nhiều doanh nghiệp và người quản lý, có lẽ lợi nhuận bây giờ xem ra không còn quá quan trọng như trước nữa, bởi được thấy khách hàng, được gắn kết với người lao động và cộng đồng cũng đã hạnh phúc rồi. Vì vậy, khi đại dịch đã lắng xuống thì sự thay đổi ở nhiều nơi mới đang bắt đầu.

2 năm đại dịch càn quét, cũng là 2 năm trời, khu rừng tại Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình chìm trong yên vắng. 40.000 khách quốc tế đã huỷ đăng ký các tour du lịch mạo hiểm. Còn ở hiện tại, mọi thứ giờ đã rất khác. 600 đoàn và hơn 4.000 khách trong và ngoài nước đang tham gia các tour du lịch mạo hiểm tại Phong Nha - Kẻ Bàng.

Anh Lê Lưu Dũng - nhà sáng lập Du lịch mạo hiểm Jungle Boss cho biết: "Với doanh số hiện tại khoảng 7- 8 tỷ đồng đủ để chúng tôi duy trì doanh nghiệp, trả lương cho khoảng 200 nhân viên, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương".

Kỹ năng đi rừng của những người dân địa phương đã giúp họ có một công việc và thu nhập ổn định. Họ sinh ra từ rừng, lớn lên từ rừng, biết từng con suối từng lối đi và họ cũng mang thông điệp đến với du khách. Còn rừng, còn thiên nhiên thì doanh nghiệp còn phát triển, người dân còn kế sinh nhai.

Doanh nghiệp thay đổi để thích nghi và phát triển - Ảnh 1.

Nằm giữa trung tâm chợ Hội An đông đúc, hối hả, quán cà phê bánh của Lưu minh Trang nằm trong một không gian đầy văn hoá Việt. Điều đáng chú ý là cô chủ quán có giọng nói Hà Nội, còn lại toàn bộ nhân viên là người bản địa Quảng Nam.

"Sau COVID-19 để bắt đầu lại là rất khó khăn. Tuy nhiên, Hội An là một mảnh đất rất dễ thương, mình giúp đỡ người khác họ cũng sẽ giúp đỡ mình. Tôi nghĩ rằng nên tạo thêm công việc cho người dân nơi đây", chị Lưu minh Trang - Chủ quán cà phê bánh Phồng Phồng, TP Hội An, Quảng Nam chia sẻ.

Chỉ khi trải qua những ngày dài đóng cửa, người dân mới cảm nhận được hạnh phúc đơn giản chỉ là được mở cửa, được có khách nhâm nhi những ly cà phê. Và trên tất cả, hạnh phúc cũng chính là sự đùm bọc yêu thương bởi sau những mất mát từ đại dịch COVID-19.

Doanh nghiệp thay đổi để thích nghi và phát triển - Ảnh 2.

Doanh nghiệp hạnh phúc và liên kết cộng đồng

Mọi thành phần trong chuỗi giá trị kinh tế, từ người nông dân, người công nhân hay tới người chủ doanh nghiệp, dù là ai cũng đều nỗ lực để mưu cầu hạnh phúc. Thế nhưng sau những biến động và đại dịch, quan niệm về hạnh phúc với nhiều người có lẽ đã thay đổi.

Có khi chỉ cần được nhìn thấy người ta yêu thương, được ở bên những người lâu nay gắn bó với ta cũng đã là hạnh phúc. Nhiều chủ doanh nghiệp tâm tư rằng thà không có lãi còn hơn nhìn thấy người lao động của mình mất việc, không có thu nhập. Các ông chủ doanh nghiệp dường như đã trân quý những người đang làm việc cho mình hơn.

Thế giới luôn biến động và bất định. Để thích nghi và phát triển tốt trong thế giới đó, chúng ta cần có được sự bền vững từ bên trong. Một cộng đồng liên kết chặt chẽ và hạnh phúc sẽ là nền tảng cho sự bền vững. Hạnh phúc không chỉ là đảm bảo được thu nhập cho cá nhân. Hạnh phúc còn là hỗ trợ được cho cộng đồng làng xóm, hỗ trợ được cho những người đã đồng cam cộng khổ với mình.

Doanh nghiệp thay đổi để thích nghi và phát triển - Ảnh 3.

Nhiều người sau nhiều năm bôn ba, nay quyết định trở về quê hương làm nông nghiệp. Sau những biến động do đại dịch, suy nghĩ trong họ đã khác. Sản xuất không chạy theo lợi nhuận mà quan trọng là phải hài hoà với thiên nhiên, để bảo vệ sức khoẻ bà con làng xóm và sự trong lành của quê hương. Một nông trại với cái tên "Hạnh phúc" đã ra đời như thế.

Nông dân là mắt xích đầu tiên của chuỗi ngành hàng. Những người nông dân hạnh phúc sẽ là chía khoá cho sự phát triển bền vững.

Còn trong các nhà máy, người công nhân chính là những mắt xích đầu tiên. Dịch bệnh đã khiến Công ty TNHH Minh Long I thấm thía hơn về vai trò của công nhân. Chỉ khi công nhân khoẻ mạnh và hạnh phúc, sản xuất mới bền vững. Từ đó, doanh nghiệp đã sử dụng chính những sản phẩm tốt nhất của mình để tái cấu trục lại bữa ăn công nhân. Tình cảnh mỗi ngày anh em công nhân bỏ lại hàng trăm kg thức ăn thừa nay đã không còn nữa.

Trước khi nghĩ tới chinh phục thị trường, những gì tốt đẹp nhất, đã được người chủ doanh nghiệp dành cho chính công nhân của mình.

Sau khó khăn dịch bệnh, nhiều người bỗng chợt nhận ra những thứ tưởng là đơn giản, lâu nay tồn tại quanh ta giờ trân quý đến nhường nào. Niềm hạnh phúc tưởng to tát, xa xôi bỗng trở nên giản đơn và gần gũi hơn bao giờ hết. Nhưng chính niềm hạnh phúc và sự gần gũi đó trong mỗi cộng đồng, mỗi doanh nghiệp chính là nền tảng cho một xã hội và một quốc gia phát triển bền vững và thịnh vượng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước