Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong số 78 vụ kiện chống bán phá giá Việt Nam gặp phải trong 2 năm gần đây có tới 37 vụ liên quan đến sắt thép, chiếm khoảng 50% loại hàng hóa bị kiện. Chỉ riêng từ giữa tháng 7, đầu tháng 8 năm 2018, đã có 8 vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước với mặt hàng thép Việt Nam.
Theo các chuyên gia, để tránh những vụ kiện không cần thiết, các doanh nghiệp thép cần chủ động hơn trong quá trình hội nhập như tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường hiểu biết pháp luật trong xử lý các vụ tranh chấp thương mại nếu phát sinh. Cơ quan quản lý như Bộ Công Thương cũng cần có những chính sách hỗ trợ, bảo hộ đối với các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.
Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương nói: "Khi một sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đe dọa lợi ích của ngành sản xuất trong nước, cơ quan chức năng có thể khởi xướng điều tra để áp dụng biện pháp chống bán phá giá hoặc trợ cấp. Chúng ta đã thực hiện tương đối thành công việc điều tra và áp dụng thuế của một số sản phẩm như sắt, thép".
Cũng theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến tự chủ nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước và phải cố gắng khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ bên ngoài, nhằm giảm thiểu việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!