Doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống thay đổi chiến lược tuyển dụng

Hải Vân-Thứ hai, ngày 11/10/2021 09:28 GMT+7

VTV.vn - Sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp ngành dịch vụ thực phẩm và đồ uống đang lên kế hoạch đào tạo nhân sự thích ứng với tình hình mới.

Ngành dịch vụ thực phẩm và đồ uống (F&B) là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh COVID-19. Theo các doanh nghiệp, chi phí nhân sự vẫn là bài toán đau đầu nhất khi chiếm đến khoảng 2% doanh thu trong kế hoạch phục hồi hậu đại dịch. Sau khoảng thời gian tạm ngừng hoạt động, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang lên kế hoạch đào tạo nhân sự để có thể chuyên nghiệp hóa quy trình và cắt giảm tối đa chi phí hoạt động.

Chuỗi nhà hàng Thái Lan Tuktuk có 6 cửa hàng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với tổng số 630 nhân viên các vị trí. Hơn 2 tháng nay, các nhà hàng phải tạm dừng hoạt động do giãn cách xã hội, nhưng họ vẫn giữ lại những vị trí chủ chốt để có thể nhanh chóng vận hành trở lại khi được phép mở cửa.

"Vị trí quản lý 5 triệu đồng/tháng, supervisor áo đen 3,5 triệu, còn lại các bạn phục vụ 1,5 triệu đồng/tháng. Xét tuyển những nhân sự có kinh nghiệm và người ta chấp nhận có mức lương theo thị trường hiện nay, tức không như trước nữa. Bên cạnh đó, mình sẽ tính lương theo giờ. Tôi nghĩ sẽ tuyển thêm khoảng 100 người", Giám đốc chuỗi nhà hàng Tuktuk Đỗ Danh Trung cho biết.

Doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống thay đổi chiến lược tuyển dụng - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành dịch vụ thực phẩm và đồ uống (F&B) đang lên kế hoạch đào tạo nhân sự để có thể chuyên nghiệp hóa quy trình và cắt giảm tối đa chi phí hoạt động. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)

Còn chuỗi nhà hàng Mok-Chang xác định bán hàng mang về là chủ yếu, nên bên cạnh việc tuyển dụng thêm những nhân sự mới, họ tập trung chi phí khoảng 200 triệu đồng để giữ lại nhân viên cũ và đào tạo thêm để có thể làm nhiều vị trí cùng lúc, tối ưu hóa chi phí.

"Nhanh - chuẩn - an toàn là tiêu chí của chúng tôi. Tối giản tất cả quy trình để các bạn có thể học hỏi một cách dễ dàng nhất. Với các đơn online yêu cầu nhanh, chỉ 5 phút là cần xong đồ, ship đến tay khách là khoảng 20 phút", Nhà sáng lập chuỗi nhà hàng Mok-Chang Nguyễn Thành Nam chia sẻ.

Không tốn thời gian đào tạo, nhưng khó khăn của việc tìm kiếm nhân sự trong ngành này là độ tuổi nhân sự khá trẻ và mức độ gắn bó thấp, chỉ từ 3 - 6 tháng.

"Ngành F&B sẽ thiếu nhân sự trong khối hỗ trợ. Đối với công việc ở khối hỗ trợ, người lao động có xu hướng có thể dịch chuyển sang ngành nghề khác. Nhóm thứ hai là nhóm người lao động phổ thông. Ở trong các khối vận hành, đây là nhóm đang có sự dịch chuyển lớn nhất vì nhiều người lao động chuyển sang làm công việc có tính chất tạm thời, như chạy Grab", Giám đốc miền Bắc Navigos Search Ngô Thị Ngọc Lan cho hay.

Theo các chuyên gia, mức lương của nhân sự trong ngành này sẽ không thay đổi so với trước dịch, nhưng công việc cần làm sẽ nhiều hơn và đòi hỏi sự cạnh tranh hơn.

Các chuyên gia cũng dự báo sẽ có một sự chuyển dịch trong xu thế ngành hàng ăn uống thực phẩm từ offline sang online. Vì vậy các chuỗi nhà hàng từ nhỏ lẻ đến quy mô lớn đều phải tính toán lại các vị trí nhân sự vì vận hành online sẽ có nhiều điểm khác.

Các chuỗi F&B thận trọng mở cửa lại sau 1/10 Các chuỗi F&B thận trọng mở cửa lại sau 1/10

VTV.vn - Với việc TP Hồ Chí Minh sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội từ 1/10, liệu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ăn uống F&B đã sẵn sàng trở lại sau giấc “ngủ đông” 3 tháng?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước