Vừa sang Việt Nam để thu mua 100.000 tấn gạo nhưng ông Lưu Xuân Ân (Đại diện Thung lũng thực phẩm Sơn Đông Trung Quốc) còn tìm đối tác là một doanh nghiệp lớn ở Việt Nam để cùng hợp tác sản xuất gạo công nghệ cao, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, để đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của khách hàng Trung Quốc. Bởi theo kinh nghiệm của ông, việc thu mua được các sản phẩm gạo có chất lượng theo ý muốn, với khối lượng lớn không phải lúc nào cũng dễ.
Ông Lưu Xuân Ân nói: "Chúng tôi muốn tìm kiếm một doanh nghiệp quy mô sản xuất lớn để hợp tác. Chúng tôi sẽ cung cấp giống, kỹ thuật trồng mới, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Chúng tôi cam kết có thể tăng năng suất từ 30 - 50%".
Theo các chuyên gia, gần đây ngoài Trung Quốc còn có doanh nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đầu tư từ giống, công nghệ để cho ra những sản phẩm hợp thị hiếu của nước xuất khẩu.
Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam. Việc doanh nghiệp Trung Quốc chủ động tìm cách để sản xuất gạo với doanh nghiệp Việt cho thấy nếu không thay đổi phương thức sản xuất, đáp ứng thị hiếu của nước xuất khẩu, hạt gạo Việt vẫn còn chưa hết long đong trên con đường tìm kiếm đầu ra.
Việc các doanh nghiệp Trung Quốc kết hợp với doanh nghiệp Việt để sản xuất gạo chất lượng cao được xem như là cơ hội tốt. Tuy nhiên, nhìn xa hơn nữa, trong thời gian tới Việt Nam cần phải tận dụng được công nghệ để tiến tới chủ động về công nghệ, quyết định được chất lượng hạt gạo do nông dân làm ra trên cánh đồng của mình, có như vậy hành trình tìm đầu ra cho gạo sẽ không còn phải long đong.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!