Nhiều chính sách và các gói hỗ trợ đã được Chính phủ và các bộ ngành triển khai để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hiệu quả cũng đã có, tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn những hạn chế, khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận những gói hỗ trợ. Điển hình như những khó khăn hiện nay trong việc vay vốn để khôi phục kinh doanh.
Trong dịp cao điểm vận tải Tết Dương lịch năm nay, gần như toàn bộ số xe của doanh nghiệp lại nằm trong bãi. Đây là điều chưa có tiền lệ. Những năm trước vào dịp này, toàn bộ số xe đều được huy động, nhưng cũng không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Xe nằm bãi nhưng vẫn phải chi trả các chi phí phục vụ hoạt động của phương tiện. Chính vì vậy, thông tin thời gian giảm phí đường bộ được kéo dài thêm 6 tháng là điều đáng mừng.
Dịch bệnh vẫn phức tạp, nên tình trạng người dân e dè lựa chọn phương tiện công cộng để đi lại có thể còn kéo dài. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Việc giảm 30% phí bảo trì đường bộ từ tháng 1/1 - 31/6/2022, hay giảm 50% lệ phí đăng kiểm, dù số tiền không lớn, nhưng với một doanh nghiệp nhiều xe như chúng tôi trong thời điểm khó khăn này, đây thực sự là động thái khích lệ cho doanh nghiệp", ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Minh Thành Phát, Hà Nội, chia sẻ.
Cùng với giải pháp giảm thuế, phí, Chính phủ cũng đưa ra những gói hỗ trợ vay vốn phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vận tải nói riêng hiện cũng có không ít lao động chỉ ký hợp đồng thời vụ, nên không thuộc đối tượng được thụ hưởng gói vay. Việc tiếp cận của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế.
"Chúng tôi rất mong muốn mở rộng đối tượng được tiếp cận, thay vì chỉ những người tham gia bảo hiểm xã hội mới được vay gói để trả lương. Chúng ta giao trách nhiệm cho các chủ doanh nghiệp phải chịu tránh nhiệm về khoản vay để trả lương giữ người lao động. Có như vậy khi kiểm soát được dịch bệnh mới có thể phục hồi sản xuất", Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Công Hùng nêu đề xuất.
Dịch bệnh vẫn phức tạp, nên tình trạng người dân e dè lựa chọn phương tiện công cộng để đi lại có thể còn kéo dài. Không có khách, số chuyến xe sụt giảm, doanh nghiệp không có nguồn để chi trả lương, lái xe, công nhân sửa chữa, bảo dưỡng nghỉ việc là khó tránh.
Nếu tình trạng này kéo dài thêm, thì khi dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp vận tải cũng sẽ gặp khó khăn trong khôi phục hoạt động trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!