Doanh nghiệp Việt hoàn thiện chuỗi cung ứng, nâng tỷ lệ nội địa hóa

Bảo Lâm-Thứ ba, ngày 03/11/2020 13:30 GMT+7

VTV.vn - Doanh nghiệp Việt phải cố gắng tận dụng mọi cơ hội để thay đổi quy trình, bắt kịp với các doanh nghiệp toàn cầu để rồi có cơ hội làm bạn, hợp tác với họ.

Chia sẻ tại tọa đàm "Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn FDI: Cơ hội và thách thức" do Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội tổ chức ngày 30/6, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng: "Cái khó là doanh nghiệp chúng ta phụ thuộc vào nước ngoài nhiều. Họ cắt đầu ra, không cấp đầu vào là ta cũng khó. Vì thế cần có sự quản lý của nhà nước, trong khi làm vấn đề vĩ mô thì đồng thời phải có tay dắt doanh nghiệp vừa và nhỏ".

Điều ông Phan Hữu Thắng băn khoăn cũng chính là vấn đề các doanh nghiệp đã nhận ra và từng bước hoàn thiện.

Doanh nghiệp Việt hoàn thiện chuỗi cung ứng, nâng tỷ lệ nội địa hóa - Ảnh 1.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse chia sẻ những điều doanh nghiệp cần để có thể đón và tận dụng tốt làn sóng FDI thời hậu Covid-19. Cụ thể, 3 xu hướng dịch chuyển được xác định là dịch chuyển nhà máy, dịch chuyển vốn của công ty mẹ và dịch chuyển đơn hàng. Xu hướng dịch chuyển đơn hàng là nhanh, sớm và dễ đón nhận nhất. Các doanh nghiệp Việt cần xem xét để thấy mình phù hợp với xu hướng nào nhằm chuẩn bị các điều kiện đón nhận.

Để đón được làn sóng dịch chuyển đơn hàng này, bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động. Chia sẻ về câu chuyện của Sunhouse, ông Nguyễn Xuân Phú nhấn mạnh đến Hệ thống quản lý chất lượng: Buộc phải đầy đủ điều kiện để sản phẩm có thể phục vụ tập đoàn đa quốc gia. Ngoài ra, cần Hệ thống quản lý toàn diện: Từ chăm sóc con người, tuân thủ luật pháp… để đảm bảo đơn vị cung ứng không vi phạm, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Cuối cùng, cần tập trung đào tạo, hướng dẫn người lao động để đối tác có thể nhìn thấy.

Doanh nghiệp Việt hoàn thiện chuỗi cung ứng, nâng tỷ lệ nội địa hóa - Ảnh 2.

"Các yếu tố mình có phải đồng bộ. Chuẩn bị mặt bằng, con người, hệ thống sản xuất để có thể đạt được 7-8 điểm theo mong ước của họ. Nếu họ cần 10 mình chỉ có 1-2 thì họ sẽ lắc đầu. Đó là điểm cần chú ý và chuẩn bị trước", ông Phú cho biết.

Từ trước khi cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc – Mỹ nổ ra, Sunhouse cũng đã từng bước chuẩn bị những điều kiện để chủ động chuỗi cung ứng, đồng thời tranh thủ cơ hội để mở rộng lĩnh vực kinh doanh. Đơn cử việc đầu tư xây dựng nhà máy Narae Sunhouse System, năm trong cụm 8 nhà máy Sunhouse với tổng diện tích tới 100.000m2 một thành viên của tập đoàn Sunhouse. Nhà máy được xây dựng và quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn của các hãng điện tử lớn như Samsung, LG (từ hệ thống máy móc, công nghệ phòng sạch, phòng lưu trữ, đội ngũ nhân sự quản lý, địa điểm đặt nhà máy…). Mục tiêu lớn nhất của nhà máy là hoàn thiện chuỗi tự cung ứng của Sunhouse cho các sản phẩm điện tử, điện gia dụng của Sunhouse như nồi cơm điện, điều hòa, quạt điều hòa… Sau đó mới là trở thành nhà cung cấp linh kiện, mạch điện tử công nghệ cao cho các tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước.

"Với sự có mặt của nhà máy Narae, Sunhouse sẽ hoàn thiện chuỗi tự cung ứng của doanh nghiệp, chủ động quản trị chất lượng sản phẩm (từ khâu nguyên vật liệu đầu vào đến các vật tư, linh kiện và lắp ráp thành phẩm)", đại diện Sunhouse cho biết.

Doanh nghiệp Việt hoàn thiện chuỗi cung ứng, nâng tỷ lệ nội địa hóa - Ảnh 3.

Hồi cuối năm 2019, Sunhouse cũng chính thức ra mắt nhà máy Lighting , với 3 dây chuyền đèn Panel, 1 dây chuyền LED UFO cùng các dây chuyền cơ khí, phun sơn tự động khác. Cả 2 loại đèn này hiện nay đều đang xuất đi Bắc Mỹ.

Bày tỏ thích thú với những chia sẻ của lãnh đạo Sunhouse, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhắc lại 2 kỷ niệm mà ông là người chứng kiến.

Ông Toàn bộc bạch: Mười mấy năm trước khi doanh nghiệp Nhật sang Việt Nam, họ không mở nhà máy mà liên kết, liên doanh với doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp Nhật bỏ vốn, công nghệ để cùng làm ra sản phẩm. Đó là những sản phẩm chất lượng cao. Chuyện thứ hai là gần đây khi đi khảo sát cho giải thưởng mà tôi là thành viên, tôi đã đến một doanh nghiệp liên kết với Nhật nhưng 100% vốn Việt Nam, chỉ công nghệ là của Nhật. Họ sản xuất các lồng nuôi hải sản với công nghệ mới.

Doanh nghiệp Việt hoàn thiện chuỗi cung ứng, nâng tỷ lệ nội địa hóa - Ảnh 4.

"Tóm lại, tôi cho rằng Việt Nam cần tiếp thu luồng vốn mới nhưng có cách tiếp cận khác mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị. Việt Nam cần tham gia vào các chi tiết có hàm lượng công nghệ cao, phải làm được những chi tiết mà nếu không có nó thì không thành sản phẩm được. Việt Nam đang tham gia ở mức độ khá thấp trong chuỗi cung ứng. Do vậy, cần tham gia theo cách của anh Phú nói hoặc như cách của tôi gợi ý, như vậy thì có thể tạo được thêm phần giá trị gia tăng", ông Nguyễn Văn Toàn đúc rút.

Trở lại với câu chuyện của doanh nghiệp Việt, ông Phú cho rằng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào thì phải liên tục đổi mới để có thể tận dụng cơ hội. Doanh nghiệp Việt phải cố gắng tận dụng mọi cơ hội để thay đổi quy trình, bắt kịp với các doanh nghiệp toàn cầu để rồi có cơ hội làm bạn, hợp tác với họ.

"Nếu cứ làm theo kiểu con hát mẹ khen hay thì không bao giờ biết mình đang ở đâu. Mỗi doanh nghiệp phải luôn so sánh mình với bên ngoài, lấy doanh nghiệp của nước ngoài làm hình mẫu và từng bước tiệm cận với họ về các mặt", ông Phú cho biết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước