Thống kê của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ cho thấy, tính đến cuối năm 2016, gần 70% máy móc nông nghiệp ở Việt Nam là nhập khẩu. Chi phí cao, nên lợi nhuận cho các doanh nghiệp còn lại rất "mỏng". Việc nội địa hóa công nghệ trong nông nghiệp để giảm chi phí sản xuất được coi là một trong những lời giải cho bài toán này.
Để đầu tư trồng lan Hồ Điệp, ông Vũ Đại Dương, Chủ vườn ở Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội phải bỏ ra ít nhất 2 tỷ đồng cho một nhà lưới. Chi phí này là hoàn toàn không nhỏ và luôn khiến chủ đầu tư đau đầu. Vì thế, việc tìm ra công nghệ giá rẻ mà chất lượng tương đương luôn là điều doanh nghiệp hướng tới.
Hiện ông Dương đang sử dụng nhà lưới do một công ty của Việt Nam sản xuất. Theo công ty này, tỉ lệ nội địa hóa công nghệ cao trong trồng lan Hồ Điệp tại Việt Nam đã đạt tới 80%.
Tuy nhiên, phần đông các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nội địa hóa được công nghệ cao giống như câu chuyện về trồng lan Hồ Điệp. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là vì các nhà cung cấp công nghệ nội địa chưa dám đầu tư mạnh, do còn e ngại khách hàng trong nước vẫn hoài nghi trước chất lượng của những sản phẩm công nghệ nội địa hóa.
Nông nghiệp công nghệ cao đang trở thành lĩnh vực "nóng" về thu hút vốn đầu tư trong năm nay. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao vẫn đang phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu đa số các thiết bị, vật tư, khiến giá thành sản phẩm tăng cao, khó mở rộng thị trường. Do vậy, nội địa hóa công nghệ và vật tư, trang thiết bị là một trong những giải pháp hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!