Doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN sẽ cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19 như thế nào?

H.T-Thứ năm, ngày 25/06/2020 19:40 GMT+7

VTV.vn - Tại Diễn đàn về Kinh tế ASEAN, các chuyên gia đã tập trung thảo luận về những vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN trước ảnh hưởng của COVID-19.

Khó khăn vì COVID-19, doanh nghiệp phải "tự cứu mình trước khi trời cứu"

Ngày 25/6 đã diễn ra Chương trình "Diễn đàn về Kinh tế ASEAN, Doanh nghiệp tiêu biểu ASEAN" dưới sự chủ trì của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Sự kiện nhằm hướng tới Kỷ niệm 53 năm thành lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á - ASEAN (1967 – 2020), 25 năm ngày Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN và Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN 2020.

Phát biểu khai mạc, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh, một trong những chủ đề hiện thực hóa tinh thần “Gắn kết”, đó là thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các Đối tác; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội.

Doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN sẽ cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19 như thế nào? - Ảnh 1.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát biểu khai mạc

Với vai trò đặc biệt của Việt Nam trong ASEAN, cũng như vai trò của ASEAN với khu vực và quốc tế, các hành động của Chính phủ Việt Nam trong năm ASEAN chắc chắn sẽ mang lại các ý nghĩa tích cực. Việt Nam cũng như các nước ASEAN có rất nhiều tiềm năng để có thể thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của các doanh nghiệp

Tuy vậy, do tình hình phát sinh dịch bệnh COVID-19, suốt từ đầu năm 2020 đến nay, toàn thế giới đã phải căng mình chiến đấu chống lại dịch bệnh. Việt nam trở thành điểm sáng trong việc khống chế hiệu quả dịch bệnh và ASEAN cũng không bị ảnh hưởng trực tiếp một cách nặng nề như các khu vực khác, nhưng mức ảnh hưởng do dịch bệnh đến các nền kinh tế thì lại ở mức độ rất nghiêm trọng.

Hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV đều bị ảnh hưởng do COVID-19. Các Chính phủ các nước trong khối ASEAN đã có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Với tinh thần tự lực vươn lên, "tự cứu mình trước khi trời cứu", các doanh nghiệp đã có những hành động mau lẹ để ứng phó với sự cố.

Đến nay, sau khi dịch bệnh cơ bản đã được khống chế, việc phục hồi kinh tế đang được tập trung hàng đầu. Bên cạnh các biện pháp thúc đẩy thị trường nội địa, việc thúc đẩy các thị trường nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng.

Doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN sẽ cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19 như thế nào? - Ảnh 2.

Ông Tô Hoài Nam trao kỷ niệm chương cho các khách mời

Tiến sĩ Tô Hoài Nam cho rằng: "Các quốc gia ASEAN có nhiều lợi thế chung, chúng ta đã và đang là một cộng đồng có uy tín trên phạm vi quốc tế; Nền kinh tế của các quốc gia ASEAN tương đối phát triển, các Chính phủ về cơ bản khống chế tốt tình hình dịch bệnh, chăm sóc tốt sức khoẻ cho người dân; Chúng ta cần trao đổi sâu sắc hơn và học hỏi lẫn nhau những bài học kinh nghiệm về hỗ trợ doanh nghiệp. Chúng ta cần kiến nghị lên các Chính phủ các hỗ trợ cần thiết, có tính chất đồng bộ trong nội khối để đầu tiên là thúc đẩy sự hoạt động bình thường trong nội khối, và từ đó tiếp nối, duy trì các thị trường quốc tế khác".

Tiến sĩ Tô Hoài Nam cũng nêu rõ về hai lĩnh vực thế mạnh của các nước ASEAN, đó là sản phẩm nông sản miền nhiệt đới và du lịch cũng như thế mạnh trong chuyển đối số.

ASEAN đã định vị được mình trong chuỗi giá trị toàn cầu?

Doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN sẽ cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19 như thế nào? - Ảnh 3.

Toàn cảnh diễn đàn

Diễn đàn dưới sự điều phối của Tiến sĩ Võ Trí Thành cũng đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận về các vấn đề: Tổng quan về nền kinh tế ASEAN hiện nay và Việt Nam sau 25 năm gia nhập: ASEAN Việt Nam trong tiến trình liên kết ASEAN và xây dựng Cộng đồng ASEAN: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam trong cộng đồng kinh tế ASEAN; Các doanh nghiệp ASEAN sẽ cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19 như thế nào. Tham gia chuỗi gia trị toàn cầu: Giải pháp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Vai trò của các Hiệp hội trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế: Bài học từ Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Đặc biệt, Diễn đàn cũng dành nhiều thời gian để thảo luận về vai trò của chuyển đổi số với các doanh nghiệp ASEAN, đặc biệt là với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia phân tích về chuỗi giá trị toàn cầu và sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo đánh giá của ông Lực, ASEAN vẫn chưa định vị được mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam đang tham gia tương đối thấp vào chuỗi giá trị toàn cầu dù hiểu rõ rằng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu mang lại lợi ích vô cùng to lớn. Thể hiện ở 94% doanh nghiệp Việt Nam khi được khảo sát cho rằng, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu rất có ý nghĩa, tăng xuất khẩu, mở rộng thị trường, mở rộng đối tác.

Để các doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, ông Cấn Văn Lực đánh giá một trong những giải pháp vô cùng quan trọng là tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam và các nước cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế, hợp tác nội khối ASEAN, tìm tiếng nói chung nhiều hơn, để hạn chế những "cuộc đua ưu đãi xuống đáy".

Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đánh giá các quốc gia ASEAN có nhiều lợi thế chung, một số nền kinh tế tương đối phát triển, các chính phủ đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, do vậy, các nền kinh tế ASEAN cần tăng cường trao đổi và học hỏi lẫn nhau những bài học kinh nghiệm và hỗ trợ doanh nghiệp.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng, nửa đầu năm 2020 đã trôi qua, dịch bệnh COVID-19 đã gây tác hại vô cùng to lớn trên phạm vi toàn cầu. Sau những nỗ lực khống chế dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam bằng nhiều biện pháp đã nỗ lực cứu doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề do hậu quả của việc phong tỏa, dãn cách xã hội do dịch bệnh.

Bà Hường cho biết, với vai trò là người đại diện đầy đủ nhất cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã có nhiều hành động kịp thời để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thông qua những đề xuất cụ thể với cơ quan quản lý nhằm giảm khó khăn cho doanh nghiệp. Hiệp hội cũng đã đề nghị miễn các hoạt động kiểm tra thường kỳ, khuyến khích và đẩy mạnh các hoạt động kinh tế chia sẻ, đẩy nhanh áp dụng các ứng dụng số để giúp doanh nghiệp thích ứng với tình hình mới.

"Chúng ta cần kiến nghị lên các Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ cần thiết, có tính chất đồng bộ trong nội khối để thúc đẩy sự hoạt động bình thường trong nội khối và từ đó tiếp nối, duy trì các thị trường quốc tế khác", bà Hường đề xuất. Bà Hường cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đón đầu các làn sóng chuyển dịch từ các trung tâm gia công lớn đến các nước ASEAN.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước