Doanh nghiệp Việt tìm cách chinh phục thị trường Trung Quốc

VTV Digital-Thứ năm, ngày 06/07/2023 06:28 GMT+7

VTV.vn - Đại diện các doanh nghiệp cho biết, để đưa sản phẩm vào Trung Quốc bằng chính thương hiệu của mình, họ phải mất nhiều năm, vượt qua nhiều thách thức.

Tiềm năng tăng trưởng thị trường Trung Quốc

6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,2%, giảm 32,9% và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm hơn 5%.

Như vậy, Trung Quốc đã soán ngôi Hoa Kỳ trở thành khách hàng số 1 các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam và cũng là thị trường lớn duy nhất có nhịp tăng trưởng dương. Trong thời gian tới, với ngành nông nghiệp và công thương, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiềm năng cần tập trung trọng điểm để đẩy mạnh xuất khẩu.

"Với tiềm năng và lợi thế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp và lãnh đạo bộ nên tập trung đầu tư", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Việt tìm cách chinh phục thị trường Trung Quốc - Ảnh 1.

6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông, lâm, thủy sản Việt Nam. (Ảnh: Dân trí)

"Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa hàng hóa vào thị trường Trung Quốc phải chú trọng đến chất lượng cũng như nhiều quy định mới khắt khe", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết.

Bộ Công Thương nhấn mạnh, với lợi thế về vị trí địa lý gần, chi phí logistics và rủi ro thấp, nhu cầu thị trường gia tăng, Trung Quốc sẽ tiếp tục là điểm đến tiềm năng cho xuất khẩu Việt Nam từ nay đến cuối năm.

Nhiều sản phẩm thương hiệu Việt Nam dần phổ biến tại Trung Quốc

Tại một trong những thành phố thương mại lớn nhất của Trung Quốc, một số mặt hàng với chính thương hiệu của Việt Nam đang dần trở nên gần gũi với người tiêu dùng Trung Quốc.

Gần đây, nhờ có sự đa dạng các kênh phân phối, như kênh bán sỉ, các khách hàng là nhà hàng, quán trà sữa, cà phê, các sản phẩm sữa của Việt Nam ngày càng được người Trung Quốc ưa chuộng.

Tại 1 trong 5 chợ sỉ lớn ở TP Quảng Châu, Trung Quốc, nơi bán buôn nhiều mặt hàng thực phẩm, ngoài các sản phẩm từ Thái Lan, Camphuchia, sữa đặc Ông Thọ của Việt Nam là sản phẩm của cửa hàng của ông Lưu Nguyên tiêu thụ đều đặn. Mỗi tháng ông nhập khoảng 2.000 thùng, phân phối hết cho khoảng 50 đại lý là các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng trong thành phố.

"Đặc biệt từ nay đến cuối năm, vào nhiều dịp lễ hội, lượng tiêu thụ sẽ tăng cao hơn. Tôi dự kiến phải tăng tới 50%, hệ thống các nhà phân phối từ trang thương mại điện tử, cửa hàng, siêu thị cũng đang thương thảo để mở rộng thị trường trong thời gian tới", ông Lưu Nguyên, Quảng Châu, Trung Quốc, cho biết.

Ngay tại siêu thị hiện đại, sản phẩm sữa của Việt Nam được bày bán tại những vị trí thuận tiện cho người tiêu dùng lựa chọn.

"Tôi rất thích hương vị của sữa này, tôi hay dùng để chấm bánh mì, pha với cà phê, làm trà sữa", bà Lương Tiểu Phương, người tiêu dùng, Quảng Châu, Trung Quốc, chia sẻ.

"Công thức không sử dụng hương liệu tổng hợp, phù hợp với xu hướng giới trẻ thích sản phẩm tự nhiên, nên tôi nghĩ sản phẩm sẽ có nhiều cơ hội phát triển tại đây", bà Quách Lý Minh, Quản lý siêu thị Janz Life, Quảng Châu, Trung Quốc, cho hay.

Theo đại diện Vinamilk, việc thương hiệu Việt tăng cường hiện diện với người tiêu dùng quốc tế cũng là cách giúp doanh nghiệp Việt xuất khẩu hiệu quả hơn, đặc biệt là các thị trường lớn như Trung Quốc.

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã ký kết và thực hiện thành công các hợp đồng xuất khẩu sang nhiều thị trường như: Trung Quốc, Nhật Bản, Trung Đông… với tổng giá trị đạt hơn 100 triệu USD.

Doanh nghiệp Việt Nam tìm cách chinh phục thị trường Trung Quốc

Chia sẻ với phóng viên, đại diện các doanh nghiệp cho biết, để đưa sản phẩm vào Trung Quốc bằng chính thương hiệu của mình, họ phải mất nhiều năm, cùng với đó vượt qua nhiều thách thức. Điều mấu chốt là cần phải tìm được những nhà nhập khẩu Trung Quốc đủ uy tín và tin cậy, trở thành đối tác lâu dài mới có thể cạnh tranh được tại thị trường rộng lớn như Trung Quốc.

Gần 100 doanh nghiệp Việt Nam, với 120 gian hàng chủ yếu là những sản phẩm thuộc các ngành hàng nông, lâm, thủy sản và thực phẩm chế biến vừa mới tham gia hội chợ lớn tại Quảng Châu, Trung Quốc. Điều đáng nói, các doanh nghiệp cùng chung một mục đích tìm kiếm các đối tác tiềm năng giúp họ phân phối sản phẩm.

Nhiều doanh nghiệp lần đầu tiên tham gia hội chợ với kỳ vọng đưa sản phẩm một cách bài bản sang thị trường này.

"Chúng tôi cùng đối tác Trung Quốc cùng xây dựng kênh bán hàng, kênh bán hàng tại chợ sỉ lớn của nông sản, kênh bán hàng cho các shop, các siêu thị, các kênh bán hàng online", ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty TNHH Rồng Đỏ, cho biết.

"Tạo mã sản phẩm, tạo mã doanh nghiệp, hay mã vùng nguyên liệu, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng những việc đó để xuất khẩu sang Trung Quốc", bà Nguyễn Minh Thế Nguyệt, Tổng giám đốc, Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu miền Tây Westfood, cho hay.

Theo các nhà nhập khẩu của Trung Quốc, việc tìm được một nhà nhập khẩu uy tín, có hệ thống các nhà phân phối tuyến dưới đa dạng là điểm cốt yếu để đi sâu hơn vào thị trường Trung Quốc.

"Hiện tôi có khoảng 20 điểm phân phối sản phẩm sữa của Vinamilk, bao gồm chuỗi siêu thị, chuỗi nhà hàng, chuỗi quán cà phê và luôn nhận được sự hỗ trợ từ phía công ty để có sản phẩm tốt ra thị trường", ông Hạ Hải Nam, đại diện nhà Nhập khẩu Changsa Dairy, Trung Quốc, thông tin.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng nữa là yếu tố chất lượng và mẫu mã cũng phải được nghiên cứu phù hợp thị hiếu từng tỉnh tại Trung Quốc.

"Chúng tôi làm việc chặt chẽ với khách hàng để ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu. Ở một số nước lớn như Trung Quốc, chúng tôi có những sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng ở từng tỉnh. Vì vậy chúng tôi duy trì được sản phẩm có mặt ở trên kệ của các nơi", ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh Quốc tế, Vinamilk, cho biết.

Để tránh rủi ro, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, thực phẩm cần chú ý nghiên cứu và khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng ký, trước khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc theo đúng yêu cầu của phía nước bạn.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô tại thị trường Trung Quốc. Ngoài việc tập trung cho các thị trường truyền thống như tỉnh Quảng Tây, Bộ sẽ thúc đẩy tới các thị trường mới nằm sâu trong nội địa Trung Quốc như tỉnh Sơn Đông, Hà Bắc. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo phát huy vai trò của thương vụ, cung cấp thông tin nhu cầu thị trường, các mô hình hải quan, cơ sở hạ tầng của phía bạn, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Gần 100 doanh nghiệp Việt tham dự hội chợ quốc tế tại Trung Quốc Gần 100 doanh nghiệp Việt tham dự hội chợ quốc tế tại Trung Quốc

VTV.vn - Gần 100 doanh nghiệp, với 120 gian hàng thuộc nhiều lĩnh vực tham gia Hội chợ Quốc tế doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc lần thứ 18.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước