Xung đột tại Biển Đỏ khiến một số hãng vận tải biển phải ra thông báo dừng vận chuyển, thay đổi lịch trình và kéo theo hệ luỵ là cước vận tải biển gia tăng với nhiều khoản phụ phí phát sinh. Điều này đã được Bộ Công Thương liên tục phát đi cảnh báo tới các doanh nghiệp, hiệp hội trong thời gian gần đây. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho biết, đang phải tìm nhiều cách để ứng phó, hạn chế tối đa việc gián đoạn dòng chảy hàng hoá.
Chỉ vừa mới đón tin vui khi đơn hàng quay trở lại ở những tháng cuối năm 2023 đầu 2024 thì các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam phải đối diện với thách thức khi cước vận chuyển tăng 40 - 50%, thậm chí là tăng gấp đôi. Dù bán hàng với hình thức CIF - bên bán trả cước vận chuyển hay FOB - bên mua thanh toán cước vận chuyển thì bất lợi vẫn nằm nhiều ở phía doanh nghiệp Việt Nam vì lợi nhuận bị thu hẹp, thậm chí đối diện nguy cơ mất khách hàng khi đối tác dừng mua hoặc tìm đơn hàng ở những thị trường ít bị ảnh hưởng.
Công ty CP Sản xuất thương mại Sài Gòn có hơn 20% lượng hàng xuất khẩu sang châu Âu theo hợp đồng giá FOB đang gián đoạn vì giá cước tăng cao. Doanh nghiệp phải tìm cách hạn chế tối đa thiệt hại như thường xuyên trao đổi với khách hàng, làm việc các đơn vị logistic tin cậy, mua bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro… Trong khi đó, hầu hết hàng hoá của doanh nghiệp thuỷ sản đang chịu ảnh hưởng do những phát sinh tại khu vực Biển Đỏ.
Xung đột tại Biển Đỏ khiến lượng tàu qua khu vực này giảm mạnh, cước phí vận tải đường biển tăng cao. (Ảnh minh họa: Ảnh: splash247)
Theo ông Trương Đình Hòa - Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam: "Cần có những bảo hiểm về rủi ro để tránh việc sẽ bị mất hàng hoặc bị tổn thất. Cố gắng làm sao giữ được bạn hàng của mình và mở thêm thị trường Trung Quốc - thị trường có địa lý phù hợp để cân bằng".
Số liệu từ một số công ty vận tải tuyến Mỹ và châu Âu, giá cước vận chuyển từ Việt Nam sang các thị trường này đang ở khoảng 4.000 - 4.500 USD/container và bị áp phụ phí khoảng 1.500 - 3.000 USD/container.
Mức phí trên đang tác động không nhỏ tới tất cả lĩnh vực xuất nhập khẩu như gỗ, thuỷ sản, nông sản, dệt may, da giày, sản phẩm điện - điện tử… Các doanh nghiệp đều đang xoay xở để giữ đơn hàng, đa dạng hóa nguồn cung, hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng.
Các doanh nghiệp đề xuất Bộ Công Thương sớm có giải pháp dụ như giảm chi phí logistics, kho bãi, phí hạ tầng cảng biển… nhằm giảm hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!