Để chào đón năm mới Giáp Thìn, nhiều người đã lấy cảm hứng từ hình tượng con Rồng để tạo ra nhiều sản phẩm với các thiết kế đa dạng, độc đáo, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết.
Điểm độc đáo của Tết Nguyên đán năm nay là những cây quất cảnh tạo dáng hình rồng. Nhiều người dân rất thích thú và đã đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh cùng với những chậu quất đặc biệt.
Chị Kiều Nhung, Quận Tây Hồ, Hà Nội, cho biết: "Năm nay đặc sắc nhất là những cây hình con rồng. Chắc chắn họ phải làm ít nhất từ năm ngoái hoặc năm kia thì mới dần dần hình thành ra hình rồng chứ không tự nhiên có trong năm nay".
Nghệ nhân Trương Ngọc Xuân tỉa, chỉnh để có đôi "quất rồng" đẹp, độc và lạ nhất mang đến khách hàng dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn.
(Ảnh: Phùng Anh, Dương Duy)
Ngoài quất cảnh, quất tạo dáng rồng, các chậu lan chạm khắc hình rồng cũng là mặt hàng thu hút nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng.
Hàng năm, cứ vào thời điểm sát Tết là chị Nguyễn Thị Tĩnh, quận Hà Đông, Hà Nội bắt đầu tìm mua lan hồ điệp để trưng Tết. Ngoài những yếu tố như hình dáng, màu sắc bắt mắt hay độ bền của cây lan thì giá cả cũng là điều đáng cân nhắc. Theo chị, những chậu lan hình rồng tượng trưng cho năm nay rất bắt mắt và đẹp. Tuy nhiên, chị sẽ chọn cây phù hợp cho gia đình vì lan hồ điệp hình rồng rất đẹp nhưng giá thành lại khá cao.
Anh Ngô Văn Nghiệp – Giám đốc Lan hồ điệp Lannia cho biết khách hàng rất thích thú và tò mò đến đây. Các sản phẩm lan hình rồng thường dao động từ 3 - 5 triệu lên đến 20 triệu. Phân khúc bán tốt nhất là từ 10 - 20 triệu.
Nắm bắt tâm lý ưa chuộng những sản phẩm mô phỏng theo con giáp của từng năm, vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, xưởng gốm tại làng Bát Tràng lại nhộn nhịp người đúc, người sơn.
"Khâu tạo hình đổ rót, khâu thứ hai là sửa chuốt, dóng hình dáng con rồng lên gọi là lắp ghép những khối rời thành một, đắp nặn tiếp tục lên những thành phần thêm vào đầu rồng những chi tiết uốn lửa. Các công đoạn nào làm công đoạn đó, nhiều khi làm đến 11-12 giờ để theo kịp tiến độ. Khi nhận được những đơn đặt hàng làm linh vật, không khí thường hồ hởi, khác hẳn so với làm những hàng dân dã bình thường", ông Phạm Việt Khoa - Thợ đúc tại làng gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội cho biết.
Sản phẩm tiêu bản gốm "Ngự long khánh hội" lấy ý tưởng vua Lý Công Uẩn ngự thuyền rồng ngắm cảnh nước non Đại Việt. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN
Sau khi tạo dáng xong, các sản phẩm gốm lư hương đắp hình rồng được để hong khô nơi thoáng mát. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN
Để có sản phẩm độc đáo, ấn tượng, đòi hỏi người thợ gốm Bát Tràng phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN
Không chỉ được bày bán bên ngoài, người tiêu dùng cũng có thể dễ dàng tìm kiếm những sản phẩm độc đáo, mới lạ này trên các trang mạng xã hội hiện nay. Không chỉ mang giá trị thẩm mỹ cao mà còn các sản phẩm này còn mang tới nhiều ý nghĩa về sự bình an, sung túc cho mọi người, mọi nhà.
Hà Nội: Tiểu thương đưa đào, quất xuống phố đón Tết về VTV.vn - Chỉ còn gần một tháng nữa là đến dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, thời điểm này trên các con phố của Hà Nội đã bày bán đầy đủ các loại hoa và cây cảnh phục vụ người dân. | Cặp rồng quất "Long Vân Thuỷ" độc đáo đón Tết Giáp Thìn 2024 VTV.vn- Chào đón năm mới Giáp Thìn, nghệ nhân Trương Ngọc Xuân (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã khéo léo tạo nên hai cặp quất uốn hình rồng độc đáo, ấn tượng. | Thủ phủ quất Tứ Liên tất bật chuẩn bị vào vụ Tết, chờ mong mưa thuận gió hoà VTV.vn - Cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người dân làng quất Tứ Liên (Âu Cơ, quận Tây Hồ, Hà Nội) đang tất bật cắt tỉa, chăm sóc, tạo dáng cho cây để cung ứng ra thị trường. |
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!