Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 16 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Mới 5 tháng đầu năm nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất sát sao, chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này. Đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Tháng 4 vừa qua, trong Nghị quyết số 44 phiên họp Chính phủ thường kỳ cũng đã nhấn mạnh, nêu cao tinh thần "5 quyết tâm". Và điển hình có nội dung: Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường phân cấp phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Đánh giá riêng về Chỉ thị 16, các chuyên gia cho rằng, chỉ thị có nhiều điểm mới, rất thực chất. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu phải kiểm soát thủ tục hành chính ngay từ khâu ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng xây rồi lại rà soát, sửa đổi. Và kể cả là khi được ban hành, cũng cần đảm bảo thủ tục hành chính mới đó là thực sự cần thiết, và có chi phí tuân thủ thấp nhất.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết: "Thủ tướng đã nêu ra yêu cầu xoá bỏ mọi ranh giới giữa các ngành và các địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận các dịch vụ hành chính công và có thể thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên môi trường mạng. Không làm phát sinh thêm thủ tục, các chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Chi phí về thời gian, chi phí tuân thủ khác đang là rào cản quyền lợi của người dân cũng như quyền tự do kinh doanh".
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay: "Tránh tư duy cứ nhà nước cứ cần thông tin gì thì lại yêu cầu người dân phải nộp thông tin đấy, trong khi nhà nước có thể ở vị trí thuận lợi hơn để lấy thông tin. Ví dụ, ngay hôm nay, khi thảo luận Luật Đấu giá tài sản sửa đổi, có rất nhiều ý kiến nói là có thể yêu cầu người dân nộp thông tin về lý lịch tư pháp, nhưng thay vì yêu cầu người dân đi lấy lý lịch đấy để nộp thì có thể cơ quan giải quyết thủ tục có thể chủ động lấy thông tin đấy từ phía cơ quan tư pháp".
Việc đồng bộ thông tin dữ liệu của cư dân sẽ giúp cắt giảm nhiều thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính. Việc đồng bộ hoá này cũng đang ngày càng tốt hơn, khi chúng ta hoàn thiện được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tại Chỉ thị, Thủ tướng cũng yêu cầu chuyển đổi sang sử dụng VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử từ ngày 1/7 tới đây.
Đồng bộ dữ liệu nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính
Việc thực hiện các dịch vụ công sẽ được đồng bộ tích hợp trên hệ thông VneID
Nếu chúng ta sử dụng smartphone và có cài ứng dụng VneID thì có thể thấy trên ứng dụng tích hợp rất nhiều thông tin của công dân từ căn cước, giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế. Ngoài ra mỗi công dân sẽ có một mã định danh điện tử. Bộ Công an cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từ ngày 1/7 tới đây, công dân chỉ cần sử dụng duy nhất mã định danh điện tử này là có thể đăng nhập, sử dụng các dịch vụ trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, hay là các Cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương.
Thiếu tá Trần Duy Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Bộ Công an cho biết: "Tất cả các cổng hệ thống thông tin sẽ không tạo lập tài khoản riêng mà sẽ sử dụng tài khoản này. Thứ hai là tất cả các thông tin của công dân được xác thực. Thứ 3, các thông tin lịch sử thực hiện dịch vụ công ở các tài khoản trước đều liên kết với tài khoản của VneID mà công dân không bị mất lịch sử sử dụng trước đó. Đối với Bộ Công an, hệ thống chúng tôi đã đảm bảo sẵn sàng. Hiện tại, chúng tôi đã triển khai tích hợp sử dụng tài khoản định danh để đăng nhập vào cổng của các tỉnh, hiện có 9/63 tỉnh".
Đến nay, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư đã thu thập được 71 triệu tài khoản định danh điện tử. Trong đó, đã có 52 triệu tài khoản được kích hoạt, đưa vào sử dụng.
1/7 cũng là thời điểm Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, thay vì 1/1/2025. Hàng loạt các Nghị định, Văn bản hướng dẫn thi hành luật đang được các Bộ, ngành gấp rút hoàn thiện, đảm bảo đúng tiến độ Chính phủ đề ra.
Chính vì thế, tại Chỉ thị 16, Thủ tướng chỉ đạo rất rõ trọng tâm đổi mới, cải cách thủ tục hành chính là trong lĩnh vực đất đai, quản lý tài nguyên, xây dựng, bất động sản. Nội dung này được cho là đáp ứng rất đúng nhu cầu thực tế hiện nay. Ghi nhận của chúng tôi tại TP. Hồ Chí Minh.
Cải cách thủ tục, thúc đẩy phát triển dự án nhà ở xã hội
Người dân làm thủ tục trực tiếp tiến tới sẽ giảm dần. Ảnh: Dân trí
Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng vướng mắc lớn nhất đối với dự án nhà ở xã hội là chấp thuận chủ trương đầu tư. Về cơ chế thì được ưu đãi tăng 50% mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất. Điều này dẫn đến tăng quy mô dân số, không phù hợp quy hoạch phân khu nên việc điều chỉnh hồ sơ mất nhiều thời gian.
Bên cạnh khâu phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, các doanh nghiệp cũng mong muốn thủ tục phê duyệt về giá mua, thuê mua đối với các dự án nhà ở xã hội được tinh gọn và đẩy nhanh thời gian thực hiện, tạo thêm sức hút cho nhà ở xã hội.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang - Tổng giám đốc công ty TNHH phát triển căn hộ Nam Long cho biết: "Bởi vì khi chúng ta hoàn thành xong dự án nếu như chúng ta giải quyết khâu phê duyệt về giá tốt hơn, Bộ Xây dựng có hướng dẫn thông thoáng hơn hoặc các đơn vị chức năng thực hiện linh hoạt hơn. Người dân sẽ được vào ở những căn hộ khang trang hơn vì đã được xây dựng xong".
Gần đây nhất, UBND TP. Hồ Chí Minh công bố quy trình 7 bước mang tính cải cách thủ tục cho đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội. Trong đó cũng đã xác định trách nhiệm cụ thể của từng Sở ngành. Đồng thời, Thành phố sẽ hình thành tổ công tác do UBND chủ trì và đại diện các Sở, ngành tham gia để giải quyết các vướng mắc cho từng dự án nhà ở xã hội.
Ông Phạm Đăng Hồ - Trưởng phòng Phát triển Nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh cho hay: "Nghĩa là chúng ta nhìn dự án cùng một lúc và như vậy cùng một lúc, cùng một người. Khi đó những vấn đề triển khai thực hiện sau đó sẽ được nhìn nhận, dự báo để từ đó chúng ta có hướng dẫn, yêu cầu chủ đầu tư tổ chức thực hiện, tránh lặp đi lặp lại và rút ngắn được thời gian hoàn thiện hồ sơ, thẩm định hồ sơ ở từng Sở, ngành".
Kế hoạch đến năm 2025, TP. Hồ Chí Minh phải hoàn thành 35.000 căn nhà ở xã hội. Và chỉ còn khoảng 2 năm để hiện thực hoá mục tiêu này. Do đó, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá thủ tục đầu tư là bước quan trọng để Thành phố có thể thu hút thêm nguồn lực vào nhà ở xã hội cũng như đẩy nhanh nguồn cung nhà ở xã hội.
Tại Chỉ thị 16, Thủ tướng cũng yêu cầu cần đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, trong đó tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, đẩy mạnh tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa giữa các Bộ, ngành, địa phương thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai thí điểm mô hình mẫu bộ phận một cửa cung cấp dịch vụ công, theo hướng kết hợp bộ phận 1 cửa của các đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Quảng Ninh chủ trì, triển khai thí điểm trong năm 2024 trước khi tổng kết, nhân rộng vào năm 2025. Với mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công không phụ thuộc địa giới hành chính.
Không chỉ là với người thực thi thủ tục hành chính, mà tại Chỉ thị 16, Thủ tướng còn chỉ đạo đẩy mạnh cải cách việc phối hợp giữa các cơ quan để đơn giản hoá thủ tục hành chính. Bởi lẽ, người dân vẫn có phản ánh tình trạng "một cửa nhưng nhiều khóa". Nộp hồ sơ vào một tổ liên ngành nhưng thủ tục lại phải gõ cửa nhiều Sở. Để làm được điều này, đòi hỏi sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!