Đơn giản thủ tục cho các khoản vay dưới 100 triệu đồng
Một trong những thay đổi đáng chú ý trong trong Luật Các tổ chức tín dụng mới liên quan trực tiếp tới hoạt động vay vốn của người dân đó là không yêu cầu phải người dân phải có thông tin về phương án sử dụng vốn khả thi đối với các khoản vay nhỏ có giá trị dưới 100 triệu đồng. Đây có thể hiểu là các khoản vay tiêu dùng nhưng khi đi vay sẽ phải chứng minh với ngân hàng tiền vay dùng để làm gì. Tuy nhiên, trước kia thì người vay sẽ phải cung cấp thêm nhiều loại giấy tờ xem mua ở đâu, loại sản phẩm nào. Còn hiện nay, chỉ cần kê khai, thông báo với ngân hàng là đã có thể giải ngân.
Hiện cho vay tiêu dùng cũng chiếm đến trên 21% tổng dư nợ chung, nên việc đơn giản thủ tục sẽ tạo điều kiện kích cầu tiêu dùng tốt hơn. Với quy định mới, các ngân hàng sẽ chỉ cần xem xét mục đích vay vốn và khả năng tài chính của khách hàng để ra quyết định.
Anh Trần Quốc Trí - Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Những lúc tôi ốm đau hoặc con ốm cần viện phí, tôi cần một số tiền tương đối lớn, với quy định mới này tôi có thể vay ngân hàng, quy trình thủ tục có thể đơn giản và tin cậy hơn".
"Tôi cho rằng đây là bước đổi mới và như vậy các ngân hàng không còn bị ràng buộc quá chặt chẽ vào phải có mục đích vay vốn trải dài từ hồ sơ cho đến hợp đồng, đến theo dõi… Cái này rất phù hợp với nhu cầu thị trường và đặc thù trong cho vay tiêu dùng của các ngân hàng", ông Trần Minh Hải - Giám đốc Công ty Luật Basico đánh giá.
Một trong những thay đổi đáng chú ý trong trong Luật Các tổ chức tín dụng mới liên quan trực tiếp tới hoạt động vay vốn của người dân. Ảnh minh họa.
Khi yêu cầu về thủ tục được giảm bớt cũng đồng nghĩa với thời gian phê duyệt khoản vay được rút ngắn. Nhiều ngân hàng cho biết, đang thực hiện xây dựng sản phẩm và hướng tới việc cấp tín dụng dưới 100 triệu cho khách hàng chỉ thông qua một vài thao tác trên ứng dụng, với thời gian chỉ tính bằng phút.
Bà Hoàng Thị Mai Thảo - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội SHB cho biết: "Giảm thiểu được giấy tờ thì quy trình sẽ nhanh gọn và tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng một cách nhanh chóng hơn. Trước đây, để chứng minh phương án vay vốn khả thi, khách hàng phải cung cấp giấy tờ hóa đơn về việc phương án vay vốn của mình, phải chuyển lại cho ngân hàng để giải ngân, hiện khách hàng chỉ cần kê khai về mục đích sử dụng vốn của mình".
Ông Lù Duy Nguyên - Phó Giám đốc Khối Bán lẻ, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết: "Ngân hàng chúng tôi cũng đầu tư nhiều cho công nghệ mới. Hỗ trợ khách hàng qua việc thanh toán định kỳ thường xuyên hàng ngày hàng tháng. Khi hiểu khách hàng có thu nhập, thói quen như thế nào thì việc cấp tín dụng cho khách hàng rất đơn giản".
Các ngân hàng cho biết, trước mắt sẽ sớm đưa tính năng cho vay dưới 100 triệu đồng trên app của các ngân hàng với các khách hàng hiện hữu và xây dựng những sản phẩm mới như cho vay dựa trên bảng lương để hấp dẫn khách hàng mới.
Xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo
Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 mới ban hành đã dành 1 chương để xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo. Sau khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu hết hiệu lực, quy định này tạo ra hành lang pháp lý quan trọng về xử lý nợ xấu, không chỉ với các khoản vay tiêu dùng mà với cả các khoản vay lớn hơn của doanh nghiệp, trong đó có nhiều quy định như mở rộng đối tượng phạm vi mua bán nợ xấu hay quy định về chuyển nhượng tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu.
Luật các Tổ chức tín dụng mới đã bổ sung quy định về chuyển nhượng tài sản bảo đảm là dự án bất động sản để thu hồi nợ, trong đó cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản để thu hồi nợ nhưng không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản. Hiểu nôm na là ví dụ dự án đang là tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu, có rất nhiều toà nhà khác nhau, nếu muốn tìm người mua toàn bộ sẽ rất khó vì giá trị lớn. Thay vào đó, có thể tìm người mua một phần, sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho quá trình xử lý nợ xấu.
Hơn 90% các khoản nợ xấu hiện nay đều có tài sản bảo đảm, trong đó nhiều dự án bất động sản dở dang. Theo VAMC, quy định mới sẽ giúp các công ty mua bán nợ xấu thuận lợi hơn, khi không phải đáp ứng nhiều yêu cầu như doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nhất là các điều kiện về vốn.
Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 mới ban hàng đã dành 1 chương để xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo. Ảnh minh họa.
Việc xử lý nợ xấu được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh hơn khi Luật kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai, Luật Nhà ở cũng có nhiều thay đổi. Chẳng hạn như không đòi hỏi dự án phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như trước đây, chỉ yêu cầu có quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền là đã có thể chuyển nhượng.
Ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi đánh giá: "Chuyển nhượng từng phần đối với dự án bất động sản xử lý nợ xấu đã được rõ ràng hơn trong việc phân công phân nhiệm, vai trò và trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia. Trong quá trình xử lý nợ xấu, việc này giúp cho mọi người có hành lanh và các bước rõ ràng hơn để đẩy nhanh thời gian trong quá trình xử lý nợ xấu".
Luật Các Tổ chức tín dụng mới cũng cho phép mua nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Quy định này sẽ giúp xử lý những khoản nợ xấu đang vay tại nhiều ngân hàng, bao gồm cả ngân hàng trong nước và nước ngoài trước nay chưa được xử lý. Theo ước tính, 6 tháng đầu năm VAMC đã xử lý được gần 8.200 tỷ đồng nợ xấu, đạt 70% kế hoạch năm.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Tổ chức tín dụng 2024. Bên cạnh 2 vấn đề trên, luật còn nhiều thay đổi khác như giới hạn tỷ lệ cấp tín dụng cho 1 khách hàng, phải công khai thông tin sở hữu của cổ đông dù chỉ 1% và nhiều quy định khác nhằm giúp hoạt động của các tổ chức tín dụng trở nên minh bạch, an toàn hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!