Đồng Euro đã giảm xuống mức thấp của 20 năm trong phiên 5/7 do đợt tăng giá khí đốt mới nhất tại châu Âu đã làm gia tăng những lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế. Trong khi đó, đồng USD tiếp tục tăng khi lợi suất trái phiếu Mỹ phục hồi.
Theo nhận định của Derek Halpenny, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thị trường toàn cầu của MUFG, những rủi ro của việc châu Âu rơi vào một cuộc suy thoái ngày càng tăng sau khi giá khí tốt tự nhiên ở cả châu Âu và Anh đều tăng 17%.
Khảo sát của S&P Global cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) hằng tháng của Eurozone - thước đo niềm tin doanh nghiệp, giảm xuống mức 52 trong tháng 6/2022, thấp hơn so với mức 54,8 ghi nhận tháng 5 và là mức thấp nhất được ghi nhận trong 16 tháng qua.
Những lo ngại về cách Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phản ứng ra sao cũng đang ảnh hưởng đến tâm lý thị trường sau khi Thống đốc Ngân hàng trung ương Đức Bundesbank Joachim Nagel chỉ trích kế hoạch của ECB nhằm cố gắng bảo vệ các quốc gia mắc nợ cao khỏi việc tăng lãi suất.
Tại Eurozone, lạm phát chạm kỷ lục mới 8.6% trong tháng 6/2022. Lạm phát tăng mạnh cũng thôi thúc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải truyền tải trước ý định nâng lãi suất tại cuộc họp tháng 7/2022. Đây cũng sẽ là đợt nâng lãi suất đầu tiên của ECB trong 11 năm qua.
Ông Halpenny của MUFG cho biết sẽ rất khó để đồng Euro có thể phục hồi khi bức tranh năng lượng ngày càng xấu đi và rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế đang gia tăng đáng kể. Trong khi đó, đồng USD mạnh lên đã đẩy đồng Yen xuống mức thấp nhất trong 24 năm. Gần đây nhất 1 USD đổi được 135,79 Yen.
Theo nhà phân tích Fiona Cincotta từ City Index, giá trị đồng Euro bị đẩy xuống mức thấp hơn do ngày càng nhiều lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế Eurozone. Ngược lại, giá trị đồng USD lại tăng nhờ niềm tin rằng, Fed sẽ tiếp tục tích cực tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!