Tiền giấy mệnh giá 100 Euro tại Ngân hàng Trung ương Bankitalia của Italy ở Rome. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khoảng 20% trong số 75 ngân hàng trung ương tham gia khảo sát gần đây của tổ chức Diễn đàn các thể chế tài chính và tiền tệ chính thức (OMFIF) dự đoán lượng Euro mà các ngân hàng trung ương nắm giữ sẽ tăng lên trong hai năm tới. Tuy nhiên, sự thay đổi này có thể phải mất nhiều năm mới thể hiện rõ nét. Đồng USD, vốn chiếm 60% dự trữ toàn cầu so với mức 20% của đồng Euro, sẽ không đánh mất ngôi vương dễ dàng như thế. Nhưng một triển vọng tích cực hơn cho đồng Euro cho thấy có những sự thay đổi lớn đang diễn ra.
Đầu tiên, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ bỏ chính sách lãi suất âm vào năm 2022 đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ ở Khu vực sử đụng dồng tiền chung Euro (Eurozone) tăng lên sau gần 10 năm ở dưới mức 0% và đà tăng này còn kéo dài kể cả khi khả năng hạ lãi suất đang đến gần. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Đức đã ở trên mức 1,9% kể từ cuối năm 2022.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Taylor Pearce của OMFIF cho biết giờ đây khi đồng Euro đã sinh lời, các nhà quản lý dự trữ của các ngân hàng trung ương đang tìm cách gia tăng phân bổ tiền tệ sang đồng Euro và giảm dự trữ đồng USD. Bà cho biết trước đây, vì đồng Euro không sinh lời, nên nhiều ngân hàng trung ương giữ tỷ trọng đồng USD cao hơn, nhất là các loại trái phiếu chính phủ bằng "đồng bạc xanh".
Ngân hàng trung ương Ba Lan, quốc gia có dự trữ ngoại hối chủ yếu là đồng USD và Euro, cho biết lợi suất dự đoán trong trung hạn của các trái phiếu chính phủ ở khu vực Eurozone đã cải thiện đáng kể, và điều này chắc chắn sẽ làm tăng sức hấp dẫn của đồng Euro. Trong khi đó, Romania cho biết nước này dự định sẽ duy trì tỷ trọng đồng Euro trong dự trữ ngoại hối ở mức 40-75%. Tỷ trọng hiện tại của đồng Euro trong dự trữ của Romania là khoảng 59%.
Trong khi cú sốc về năng lượng đã ảnh hưởng nặng nề đến đồng euro, thì căng thẳng Mỹ-Trung và tác động của xung đột Nga - Ukraine đã khơi mào những cuộc thảo luận về xu hướng phi đô la hóa. Và nhiều đồng tiền, trong đó có đồng Euro, có thể được hưởng lợi từ xu hướng này. Số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy tỷ trọng của đồng USD trong tổng dự trữ ngoại hối đã giảm từ khoảng 72% trong năm 2000 xuống còn 59% trong năm 2023.
Dù vẫn còn rất thấp so với con số 26.500 tỷ USD giá trị thị trường trái phiếu chính phủ của Mỹ, nhưng trái phiếu của châu Âu đã được củng cố bởi lượng bán ra tăng mạnh để có nguồn tài trợ cho hoạt động chi tiêu và 800 tỷ USD trái phiếu phát hành chung của Liên minh châu Âu (EU) để phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoài khối đối với trái phiếu của khu vực cũng đang gia tăng. Bỉ đã ghi nhận nhu cầu từ các nhà đầu tư ngoài châu Âu đối với một đợt bán trái phiếu kỳ hạn 10 năm thông qua một nhóm các ngân hàng trong tháng Một đã tăng gấp đôi so với một đợt phát hành tương tự một năm trước. Nước này cho biết phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài đến từ châu Á và các ngân hàng trung ương toàn cầu đã thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu từ các tổ chức công.
Các nhà đầu tư châu Á chiếm 34% và 27% trong 2/3 hạng mục trái phiếu mà Quỹ bình ổn tài chính châu Âu bán ra trong năm nay, cao hơn so với những năm gần đây. Ông Kalin Anev Janse, một quan chức cấp cao của Cơ chế bình ổn châu Âu, cho biết bên cạnh các nền kinh tế lớn nhất ở châu Á, một số nhà đầu tư nhỏ hơn cũng đã bắt đầu mua vào. Quan chức này cho rằng đây là một tín hiệu rất tốt, và châu Âu còn muốn thu hút cả các nhà đầu tư từ châu Phi và Trung Đông.
Sự đoàn kết của châu Âu được thể hiện trong đại dịch COVID-19 cũng được xem là một yếu tố có tác động tích cực đến triển vọng của đồng euro, theo đánh giá của giới đầu tư và chuyên gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!