Sau nhịp tăng liên tiếp từ cuối tháng 11, VN-Index đã chính thức điều chỉnh cùng mức thanh khoản bùng nổ. Chỉ số giảm hơn 4% với độ rộng khá lớn, giá trị giao dịch trên sàn TP Hồ Chí Minh cũng được đẩy lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 4/2022. Còn tính chung toàn thị trường, bao gồm cả thỏa thuận và khớp lệnh, khối lượng lên tới hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 1,1 tỷ USD (hơn 27.000 tỷ đồng).
Trong khi các nhà đầu tư trong nước chốt lời khá mạnh, khối ngoại vẫn miệt mài gom ròng. Phiên ngày 6/12 các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng thêm 700 tỷ đồng, sau tháng 11 mua kỷ lục, những ngày đầu tháng 12, lũy kế đã tăng thêm 5.000 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, động thái mua ròng của khối ngoại cũng thường được thể hiện rõ nét khi thị trường về mức định giá hấp dẫn, đáng chú ý, thời gian này cũng có những đặc điểm của dòng tiền P-Notes tham gia.
Theo thống kê sơ bộ, lượng mua ròng của các quỹ ETF chỉ chiếm khoảng 30% tổng giá trị mua của khối ngoại trong thời gian qua, vì vậy phần còn lại có thể đến từ các chứng chỉ tham gia đầu tư (P-Notes). Đây là một loại công cụ tài chính phái sinh được các tổ chức đầu tư phát hành dành riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi các nhà đầu tư trong nước chốt lời khá mạnh, khối ngoại vẫn miệt mài gom ròng. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
P-Notes đặc biệt thu hút nhờ đặc điểm vừa mang tính chất của một chứng chỉ quỹ, vừa mang tính chất của một công cụ thanh toán tương tự như thương phiếu. Dòng tiền này thường mua vào cổ phiếu rất nhanh và mạnh, tương đồng với diễn biến của khối ngoại thời gian vừa qua.
"Rõ ràng là dòng tiền P-Notes có tác động tích cực đến thị trường và chặn đứng đà giảm của thị trường. Đây là một trong những đối trọng để cân bằng lại lực bán ra của nhà đầu tư cá nhân", ông Đoàn Tú, tư vấn đầu tư, nhận định.
Thực tế khi thị trường về vùng đáy, giao dịch của nhà đầu tư cá nhân chững lại, cũng là lúc dòng tiền ngoại chiếm ưu thế, tỷ trọng tăng từ 10% lên hơn 20% toàn thị trường. Vì vậy dòng tiền này được ví như một "cú huých" đã thu hút nhà đầu tư cá nhân quay trở lại tìm kiếm cơ hội.
"Họ giao dịch nhiều hơn ở vùng đáy thì nó chặn được khủng hoảng tâm lý. Vấn đề là nó giúp cuốn được dòng tiền nhà đầu tư cá nhân quay trở lại thì chúng ta hoàn toàn có những giai đoạn như 2020 - 2021", ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, Công ty CP Chứng khoán Smart Invest, đánh giá.
Cũng theo các chuyên gia, dòng tiền P-Notes có tốc độ ra vào nhanh nên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến của thị trường trong ngắn hạn và thường được cho là mang tính đầu cơ cao. Tuy nhiên, với tỷ trọng giao dịch dần thu hẹp khi dòng tiền cá nhân nhập cuộc, tâm lý của thị trường vẫn là yếu tố quyết định.
"Kể cả trong trường hợp họ có rút ra, tất nhiên sẽ ảnh hưởng trong ngắn hạn, đâu đó khối ngoại chiếm khoảng 7% giá trị thì nếu tâm lý nhà đầu tư cá nhân tích cực sẽ không ảnh hưởng nhiều. Tâm lý nhà đầu tư cá nhân sẽ quan trọng hơn trong giai đoạn tiếp theo", ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích, Công ty CP Chứng khoán Smart Invest, nói.
Các nhà phân tích cho rằng, về mặt kỹ thuật, trong mỗi con sóng tăng thường có những phiên được gọi là phân phối để làm giảm nhiệt đà tăng, đặc trưng của các phiên này là điểm số mất đi lớn và thanh khoản tăng vọt so với các phiên trước. Đây là kết quả của một đợt chốt lời khi nhiều nhà đầu tư có được sự đồng thuận "bảo vệ thành quả" có được trước đó của mình.
Ngoài ra, một con sóng tăng thường có nhiều nhịp phân phối chứ không thể chỉ sau 1 phiên thị trường đã thay đổi được xu hướng và sau những phiên như thế này, thị trường có thể vẫn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần quan sát thận trọng hơn, bởi VN-Index vừa qua đã phục hồi hơn 20% từ vùng đáy.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!