Đột phá để phát triển nhanh, bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long

Việt Cường - Thanh Xuân - Việt Thanh-Chủ nhật, ngày 06/03/2022 20:12 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng đề nghị các địa phương trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long phát huy tính tự lực, tự cường, vươn lên từ "bàn tay, khối óc, chân trời, cửa biển" của mình.

Sáng 6/3, tại tỉnh Kiên Giang, dự "Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL - chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu" với sự tham dự của 13 tỉnh, thành phố trong vùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh 28 chữ trong tư duy phương pháp luận và cách tiếp cận về phát triển vùng ĐBSCL, đó là: "tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công - tư, đời sống chất lượng".

Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích tự nhiên 39,7 nghìn km2, chiếm 12,2% diện tích cả nước, dân số khoảng 18 triệu người, trong đó gần 10 triệu hộ nông dân. Vùng đứng đầu cả nước về sản lượng gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây, hàng năm xuất khẩu trên 5 triệu tấn gạo. Năm 2021, giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp của vùng chiếm 31,3% cả nước. Tuy nhiên, vùng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn như:chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu; nền sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết; vẫn tồn tại tư duy manh mún, mùa vụ; liên kết giữa các địa phương chưa được chú trọng. Lãnh đạo các bộ ngành, tỉnh, thành và doanh nghiệp đã đề xuất một số giải pháp tháo gỡ các khó khăn, chính sách liên quan đến sử dụng đất đai, phát triển hạ tầng, thúc đẩy hợp tác công - tư và huy động nguồn lực.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ "rất trăn trở" với ĐBSCL, vùng có nhiều tiềm năng, cơ hội, lợi thế lớn, rất được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhưng vẫn phát triển chưa tương xứng so với đầu tư và mong muốn. Những năm qua, đầu tư công dành cho ĐBSCL chiếm khoảng 17-20% cả nước, nhưng vùng chỉ chiếm khoảng 10% thu ngân sách của cả nước. Hiện cơ chế chính sách còn hạn hẹp, năng suất, chất lượng sản phẩm còn thấp. Hạ tầng chiến lược phát triển chưa tương xứng; tính liên kết trong chuỗi sản xuất chưa cao và thị trường chưa ổn định. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn hạn chế so với nhiều khu vực khác.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, văn bản của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về ĐBSCL. Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; xác định nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực; gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, lấy công nghiệp, dịch vụ là bệ đỡ phát triển nông nghiệp. Thủ tướng đã nhấn mạnh một số mục tiêu quan trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: "Một là phải phát triển nhanh và bền vững. Thứ hai là chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ ba phải đột phá về nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân. Thứ tư là giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Về tư duy phương pháp luận và cách tiếp cận, tôi xin gói gọn lại mấy chục chữ thế này thôi: tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công - tư, đời sống chất lượng".

Thủ tướng đề nghị các địa phương trong vùng phát huy tính tự lực, tự cường, vươn lên từ "bàn tay, khối óc, chân trời, cửa biển" của mình, lấy nguồn lực bên trong, gồm con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử - văn hóa là quyết định, cơ bản, lâu dài, chiến lược, xác định nguồn lực bên ngoài gồm vốn, công nghệ, quản trị, thị trường… là quan trọng và đột phá. Thủ tướng yêu cầu rà soát lại đầu tư công, cái gì cần thiết thì đầu tư, không cần thiết thì dừng lại, tránh manh mún, dàn trải, chia cắt, kéo dài dẫn đến hiệu quả không cao.

Về nhiệm vụ giải pháp, Thủ tướng đề nghị, nhanh chóng rà soát,hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách. Thực hiện "4 tốt" trong quy hoạch, đó là quy hoạch tốt thì có dự án tốt, dự án tốt thì có nhà đầu tư tốt, nhà đầu tư tốt thì có sản phẩm tốt. Đồng thời, chú trọng việc xây dựng các thương hiệu sản phẩm và tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng chiến lược.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: "Hạ tầng dứt khoát không có dàn trải, tập trung vào hạ tầng chiến lược. Giao thông là nút thắt hiện nay, tao có lợi thế giao thông thủy, giao thông biển nhưng chưa khai thác được. trước hết là về đường cao tốc. Hạ tầng về xã hội y tế, giáo dục, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu như hôm qua ta khánh thành công trình Cái Lớn - Cái Bé, hạ tầng số, hạ tầng chuyển đổi năng lượng. Dứt khoát ta phải chuyển đổi năng lượng ở khu vực này, nắng gió nhiều. Tại sao chúng ta không chuyển đổi năng lượngở khu vực này mà bây giờ là tài chính xanh, sản phẩm xanh, sản phẩm sạch".

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đa dạng hóa nguồn tài chính, lấy nguồn vốn nhà nước để dẫn dắt, kích hoạt, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Thủ tướng nêu rõ, cần đẩy mạnh đào tạo nghề, quy hoạch lại và đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng để có nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thúc đẩy liên kết vùng, quy hoạch sản phẩm trên cơ sở phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các địa phương. Đồng thời, phải tổ chức công việc, quản trị một cách khoa học, hiện đại; mở rộng và đa dạng hóa các thị trường với các loại sản phẩm phù hợp như vừa qua đưa xoài đi châu Âu và khai thác, tận dụng tối đa các FTA đã ký kết,

Chứng kiến lễ ký kết phối hợp công tác, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, song Thủ tướng nhấn mạnh: cấp ủy, chính quyền, người dân, doanh nghiệp các địa phương phải chủ động, bởi không ai lo cho mình tốt hơn chính mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước