Dự án nhà ở xã hội ì ạch vì thủ tục

Báo chí toàn cảnh-Chủ nhật, ngày 24/07/2022 13:38 GMT+7

VTV.vn - Tuần qua, nhiều báo đã đồng loạt phản ánh về một số vướng mắc, khó khăn trong triển khai các dự án về nhà ở xã hội tại các thành phố lớn.

Điều này dẫn đến số lượng các công trình qua nhiều năm vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tuy nhiên theo báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, nguồn cung nhà ở có giá vừa túi tiền đang rất thiếu.

Dân khát nhà giá rẻ, dự án vẫn đứng hình

Điều này tác động trực tiếp đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người yếu thế trong xã hội. Ở TP. Hồ Chí Minh, loại nhà bình dân giá dưới 30 triệu đồng 1 m2 năm 2020 chỉ chiếm 1%, từ năm 2021 đến nay là không còn nhà ở vừa túi tiền.

Bức tranh nhà ở xã hội không đẹp như báo cáo

Dẫn chứng cụ thể hơn, báo Thanh niên cho biết: Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 10 dự án Nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân đang được triển khai. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều dự án trong số đó đã thu tiền của khách hàng từ hơn nửa thập kỷ, nhưng đến nay vẫn chưa xong, khiến khách hàng phải mang đơn đi cầu cứu khắp nơi.

Thành phố Hồ Chí Minh là vậy, còn tại Hà Nội, nhiều dự án nhà ở xã hội dù có quỹ đất, nhưng vẫn đang bế tắc trong triển khai vì thủ tục.

Dự án Nhà ở xã hội ì ạch vì thủ tục

Trên báo Tiền phong, một công ty cho biết là sau hơn 5 tháng từ ngày gửi hồ sơ đề xuất xây nhà ở xã hội thì Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố mới lấy xong ý kiến của các sở, ngành và đề nghị ủy ban nhân dân Thành phố quyết định. Đến nay, đã 6 tháng chờ đợi, doanh nghiệp vẫn chưa được thành phố đồng ý chủ trương cho xây dựng. Trong suốt 2 năm qua, Hà Nội không có dự án nhà ở xã hội nào được mở bán

Tiếp cận vấn đề này ở một góc độ khác, báo Lao động đã đăng tải một loạt bài viết phân tích thực trạng: Để nhanh chóng thu hồi vốn, thì chủ đầu tư đã liên kết với các sàn giao dịch bất động sản khác nhau để bán hàng, từ đó xảy ra tình trạng, giá nhà ở xã hội lại do các sàn quy định chứ không phải do Nhà nước quy định, dẫn tới có sàn thu phí môi giới lên tới hơn 13% giá trị căn hộ

"Nhà ở xã hội "lên sàn": Giá hơn 700 trăm triệu, mất 100 triệu phí môi giới"

Trong bài viết đầu tiên, báo Lao động rút hàng tít: "Nhà ở xã hội "lên sàn": Giá hơn 700 trăm triệu, mất 100 triệu phí môi giới". Điều này đã khiến cho chính sách nhân văn về nhà ở xã hội khi đi vào thực tiễn không còn nhiều ý nghĩa.

Một số người dân cho biết, họ mua nhà qua môi giới, với số tền thu ngoài hợp đồng lên tới 100 triệu đồng 1 căn hộ, trong khi đó giá được sở Xây dựng tỉnh phê duyệt là 761 triệu đồng, tức là phí môi giới lên tới hơn 13% giá trị căn hộ. Không chỉ thế, nhiều người dân hiện đang như ngồi trên đống lửa vì đã chuyển về đây ở ổn định nhưng nay lại nhận được thông báo là không thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội, nếu muốn ở tiếp thì phải nhờ người khác thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội làm lại hồ sơ đứng tên thay.

Qua báo Lao động, nhiều người cho biết là khi mua nhà, nhân viên sàn giao dịch luôn cam kết là dự án đầy đủ pháp lý thì họ mới mua. Tuy nhiên, khi bị kiểm tra thì mới biết mình không đủ điều kiện. Tiền mất, tật mang, bỏ ra cả trăm triệu cho môi giới nhưng không ngờ lại vướng mắc pháp lý.

Nhà ở xã hội lên sàn, để mang vạ, bán lỗ vốn

Việc các sàn giao dịch bất động sản bán nhà ở xã hội mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận, không quan tâm có đúng đối tượng được mua hay không còn dẫn đến những hệ lụy nặng nề và lâu dài cho người dân và các cơ quan quản lý. Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, chủ đầu tư có thể phân phối nhà ở xã hội thông qua các sàn giao dịch bất động sản nếu họ chấp nhận tự bỏ một phần nhỏ doanh thu để chi trả chi phí cho môi giới, thay vì đẩy phí môi giới cả trăm triệu đồng về phía công nhân và người thu nhập thấp như hiện nay.

Tháo điểm nghẽn để tăng cung nhà ở

Đến nay, cả nước ta mới hoàn thành hơn 7 triệu m2 nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động. Con số này mới chỉ đáp ứng được 42% nhu cầu về chỗ ở cho những đối tượng này. Giải pháp được tờ Tuổi trẻ đưa ra là các Ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay đối với những doanh nghiệp uy tín, làm những sản phẩm cần thiết cho thị trường. Trong quy hoạch, cần thành lập những trung tâm vệ tinh ở quanh thành phố lớn, vừa giúp giãn dân, vừa hình thành những đô thị mới cách trung tâm chỉ chừng 20km. Còn về vấn đề pháp lý, nếu các quy trình, thủ tục mà được rút ngắn, doanh nghiệp sẽ đẩy nhanh được tiến độ dự án, tiết kiệm được chi phí, từ đó giá nhà bán ra cũng sẽ giảm, giúp công nhân, người lao động, nhất là những người chưa có nhà sớm thực hiện được nguyện vọng của mình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước