Dự báo kinh tế thế giới năm 2025

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 05/01/2025 18:58 GMT+7

VTV.vn - Dự báo rủi ro đáng kể nhất đối với thương mại quốc tế và tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ là chính sách thương mại bảo hộ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới 2025

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay ở mức 3,3%. Còn mức mà Quỹ tiền tệ quốc (IMF) dự báo là 3,2%. Riêng với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển xuống 4,8% trong năm nay. Nguyên nhân chính là hiệu suất kém ở một số nền kinh tế và triển vọng tiêu dùng yếu. Còn khu vực Đông Nam Á dự báo mức tăng trưởng là 4,5%.

Ở cấp độ quốc gia, theo dự báo của OECD, kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn các nước phát triển khác ở mức 2,4%. Tại châu Âu, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của hai đầu tàu kinh tế của Liên minh châu Âu là Đức và Pháp do khủng hoảng chính trị trong nước.

Với Trung Quốc, Ngân hàng thế giới dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 4,5%.

Theo Morgan Stanley, lạm phát sẽ giảm dần trong năm tới. Tốc độ lạm phát sẽ chậm lại và tình hình cụ thể sẽ khác nhau ở từng quốc gia.

Lạm phát ở 38 quốc gia OECD ở cả 4 châu lục dự kiến sẽ giảm xuống 3,8% trong năm nay nhờ các nước vẫn duy trì các chính sách tiền tệ thắt chặt. Tại Mỹ, lạm phát có thể phục hồi vào cuối năm do giá cả và chi phí lao động tăng cao bởi chính sách thuế quan và nhập cư mới của ông Donald Trump.

Ở châu Á, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã điều chỉnh dự báo lạm phát cho năm tài chính 2025 là 1,9%. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục cuộc chiến chống giảm phát.

Theo Goldman Sachs Research, lạm phát giảm hai năm qua sẽ hỗ trợ các ngân hàng trung ương bình thường hóa chính sách tiền tệ trong năm nay.

Dự báo kinh tế thế giới năm 2025 - Ảnh 1.

Nền kinh tế năm nay được ví như hình ảnh người mới ốm dậy sau cơn bệnh Covid

Thách thức với kinh tế thế giới năm 2025

Việc các ngân hàng Trung ương châu Âu khởi động chu kỳ hạ lãi suất đã tạo nên điều kiện tích cực cho nền kinh tế, đem đến sự hỗ trợ cần thiết cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Mặc dù sức tăng trưởng của kinh tế toàn cầu trong năm 2024 được đánh giá ổn định, ước đạt 3,2% theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nhưng tốc độ tăng này tương đối thấp so với mức trung bình trong thập kỷ qua, đặc biệt là sau cú sốc từ đại dịch.

Nền kinh tế năm nay được ví như hình ảnh người mới ốm dậy sau cơn bệnh Covid. Sức đề kháng còn yếu và rất dễ bị gục ngã bởi các cơn gió ngược - những yếu tố rủi ro có thể đến trong năm 2025 này.

Bất định là từ được nhiều nhà kinh tế mô tả khi dự báo về kinh tế thế giới năm 2025 khi kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt nhiều thách thức. Các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông, bế tắc chính trị ở Đức và Pháp, cùng những hoài nghi về kinh tế Trung Quốc càng làm bức tranh thêm mờ mịt. Xung đột gia tăng có thể làm gián đoạn thị trường năng lượng, ảnh hưởng niềm tin và tăng trưởng, cản trở tăng trưởng thương mại, gây ra những điều chỉnh đột ngột trên thị trường tài chính.

Bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết: "Rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế vẫn nghiêng về phía giảm tăng trưởng. Niềm tin thấp hơn có thể ngăn cản tiêu dùng và đầu tư phục hồi nhanh như mong đợi. Điều này có thể được khuếch đại bởi các nguồn rủi ro địa chính trị, chẳng hạn như cuộc xung đột Nga - Ukraine, xung đột tại Trung Đông, có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng và thương mại toàn cầu”.

Bên cạnh đó, khả năng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump triển khai các chính sách thuế quan mới cũng có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng thương mại, gây ra một làn sóng lạm phát mới. Báo cáo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD cảnh báo, "chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, đặc biệt là từ các nền kinh tế lớn nhất" là một "rủi ro suy giảm".

Bà Shana Orczyk Sissel - Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành, Công ty quản lý vốn Banrion chia sẻ: “Có rủi ro với chính sách thuế quan có thể tác động tiêu cực đến lạm phát và giá cả. Điều đó là hoàn toàn có thể xảy ra”.

Ông Pierre-Olivier Gourinchas - Nhà Kinh tế trưởng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định: "Rủi ro đang gia tăng. Căng thẳng địa chính trị, sự phân mảnh, dẫn đến tăng thuế quan, dẫn đến khả năng giá hàng hóa tăng đột biến liên quan đến những gì có thể xảy ra ở Trung Đông, chắc chắn đó sẽ là điều có thể gây thêm áp lực lạm phát”.

Trong khi đó, chi phí khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu đang dần trở thành mối quan ngại hàng đầu đối với nhiều quốc gia. Ngân hàng thế giới cho biết, các quốc gia nghèo nhất đang phải đối mặt với tình trạng kinh tế tồi tệ nhất trong hai thập kỷ qua, đã bỏ lỡ sự phục hồi sau đại dịch.

Các nền kinh tế mới nổi phải đối mặt với những thách thức đáng kể do đồng USD mạnh và lợi suất trái phiếu kho bạc cao. Nhiều thị trường mới nổi đang phải đối mặt với tình trạng tiền tệ yếu hơn, nợ bằng USD tăng cao, dòng vốn chảy vào giảm.

Rủi ro từ chính sách bảo hộ thương mại

Dự báo rủi ro đáng kể nhất đối với thương mại quốc tế và tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ là chính sách thương mại bảo hộ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Nói về vấn đề này, GS. Andreas Hauskrecht - Trường Kinh doanh Kelley, Đại học Indiana, Mỹ cho biết: “Tôi cho rằng, dưới thời Tổng thống Donald Trump, thuế quan sẽ được sử dụng như một công cụ chính sách, nhắm vào các quốc gia cụ thể, từ Trung Quốc, châu Âu, Canada và một số quốc gia khác. Mức thuế quan có thể từ 10 đến 20%. Một ví dụ, đã có mức thuế quan cao áp lên Trung Quốc và sau đó Mỹ đã mua hàng từ Việt Nam. Đã có một sự chuyển hướng thương mại. Nhưng bây giờ, khi mọi người đều chịu thuế quan, sẽ không có sự chuyển hướng thương mại, bởi vì giá cả đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là với Trung Quốc. Thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc có thể ít nhất là 60%. Vì vậy, chúng ta sẽ thấy xung đột thương mại tiếp tục lan rộng. Bởi vì đây không chỉ là một cuộc xung đột thương mại mà còn là một cuộc chạy đua công nghệ. Căng thẳng địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục và thật không may sẽ trở nên tồi tệ hơn”.

Dự báo kinh tế thế giới năm 2025 - Ảnh 2.

Nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt quy mô 506 tỷ USD trong năm nay và đứng thứ 33 toàn cầu

Thách thức và thuận lợi đối với kinh tế Việt Nam

Riêng đối với Việt Nam, nhận định của một số tổ chức quốc tế cho thấy triển vọng năm nay khá tích cực, với tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ cao nhất trong nhóm ASEAN-6 và thuộc nhóm đầu của thế giới. Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt quy mô 506 tỷ USD trong năm nay và đứng thứ 33 toàn cầu.

GS. Andreas Hauskrecht - Trường Kinh doanh Kelley, Đại học Indiana, Mỹ cho rằng: “Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Điều đó có nghĩa là Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế và dễ bị tổn thương. Châu Âu sẽ gần như trì trệ trong tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang giảm. Tất cả những điều đó đều là trở ngại. Ở cấp độ chính sách, Việt Nam có thặng dư thương mại rất đáng kể với Mỹ. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ. Khi bạn nhìn vào quy mô nền kinh tế của Việt Nam, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 37 trên thế giới nhưng là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ. Hơn nữa, Việt Nam là nước có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ. Đầu tiên là Trung Quốc, thứ hai là Mexico, thứ ba đã là Việt Nam. Bạn thấy sự mất cân bằng này ở đây. Và điều đó khiến cho Việt Nam dễ bị tổn thương trước các phản ứng chính sách ở Mỹ”.

Nói về những thuận lợi, GS. Andreas Hauskrecht nhận định: “Chắc chắn khi nói đến FDI, Việt Nam phải tập trung vào FDI chất lượng cao. FDI chất lượng cao có nghĩa là leo lên nấc thang công nghệ. Có sự khác biệt nếu bạn sản xuất áo phông hay nếu bạn sản xuất vi mạch. Sẽ cần giáo dục Đại học, đầu tư nguồn lực vào giáo dục đại học, gửi sinh viên ra nước ngoài, lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng công nghệ cao hơn và thúc đẩy việc có nhiều hiệu ứng lan tỏa hơn từ các sản phẩm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam mà các tập đoàn tư nhân Việt Nam có thể học hỏi từ đó. Đây là câu trả lời ngắn hạn và trung hạn. Còn về dài hạn, điều Việt Nam thực sự phải làm là theo đuổi một chiến lược kinh tế vĩ mô, chuyển dịch sang tiêu dùng trong nước nhiều hơn, nhu cầu trong nước, tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư của doanh nghiệp”.

Có thể thấy rằng, triển vọng năm nay của kinh tế thế giới nói chung vẫn khá bất định, khi kinh tế thế giới đứng trước những ngã rẽ khó đoán định với nhiều biến động về chính trị và thương mại. Kinh tế toàn cầu đã vượt gió to của năm 2024, nhưng trước mặt là những cơn sóng lớn của năm 2025.

Chính sách tài chính và tiền tệ vẫn thắt chặt ở nhiều quốc gia, gây áp lực lên chi phí vay và tiềm ẩn nguy cơ về suy thoái. Xung đột địa chính trị, đặc biệt là căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng và thị trường năng lượng toàn cầu. Đồng thời, xu hướng phân mảnh thị trường và nguy cơ chiến tranh thương mại cũng đang hiện hữu.

Để vượt qua những khó khăn này, việc tận dụng công nghệ, cải thiện chính sách kinh tế và duy trì linh hoạt trong quan hệ quốc tế sẽ là chìa khóa. Chỉ khi các quốc gia kết hợp hiệu quả giữa đổi mới sáng tạo và ổn định chính trị, mới có thể duy trì tăng trưởng bền vững.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước