Dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dựa trên tham chiếu với diễn biến của dịch SARS trước đây. Theo đó, nhu cầu đối với dịch vụ hàng không sẽ bị rơi xuống đáy sau 3 tháng dịch bùng phát, bắt đầu đi lên từ tháng thứ 4 và mất 6-7 tháng đề hồi phục. Với kịch bản này, ngành hàng không thế giới sẽ bị dịch COVID-19 lấy đi gần 30 tỷ USD trong năm 2020, trong đó, các hãng hàng không tại châu Á - Thái Bình Dương gánh phần lớn thiệt hại, gần 28 tỷ USD.
Tuy nhiên, đại diện của IATA cũng nhấn mạnh, không có lý do để phải quá bi quan. Ví như giá dầu đang trong xu thế giảm. Ước tính nếu giá dầu giảm được 6 USD/thùng, ngành hàng không có thể tiết kiệm được 13 tỷ USD trong năm 2020. Tất nhiên, do nhiều hãng hàng không thường ký các hợp đồng mua nhiên liệu từ trước nên việc hưởng lợi từ giá dầu sụt giảm cũng bị mất đi phần nào.
Ông Muhammad Ali Albakri - Phó Chủ tịch khu vực châu Phi - Trung Đông, IATA chia sẻ: "Mọi thứ nghe có vẻ tồi tệ nhưng xin hãy nhớ cho, hàng không là một lĩnh vực khá kiên cường. Chúng ta đã từng phải đối mặt với dịch bệnh, các biến động chính trị và an ninh nhưng sau mỗi sự cố, ngành hàng không đều bật dậy. Đơn giản bởi vận chuyển là một nhu cầu không thể thiếu của con người".
Theo đại diện của IATA, nếu dịch COVID-19 kéo dài cả năm 2020, thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng các dự báo dựa trên chiều hướng diễn biến của dịch SARS trước đây vẫn là thực tế nhất tại thời điểm hiện nay. Vì thế, chưa cần thiết phải dự liệu cho các kịch bản xấu hơn.
Tại Trung Đông, hiện hãng hàng không 5 sao Emirates đã kêu gọi các nhân viên tình nguyện tạm nghỉ không lương nhằm giảm gánh nặng vì dịch COVID-19. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế kêu gọi các chính phủ cần có hành động hỗ trợ các hàng không, không nhất thiết phải là các gói cứu trợ. Nó có thể thông qua việc cắt giảm thuế, phí không lưu, lệ phí sân bay hay quá cảnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!