Các dữ liệu mới công bố tuần trước cho thấy, Chỉ số Giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ trong tháng 5 đã không tăng lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm ngoái, qua đó củng cố khả năng FED giảm lãi suất trong tháng 9. Tuy vậy, theo các chuyên gia, quá trình kiềm chế lạm phát dù có tiến triển nhưng vẫn sẽ cần thêm thời gian.
Bà Liz Miller - Chủ tịch, Công ty Summit Place Financial Advisors nhận định: "Lịch sử cho thấy, giai đoạn cuối cùng của việc kiểm soát lạm phát luôn rất khó khăn. Đó không phải là một con đường bằng phẳng. Khi nhìn vào lộ trình lạm phát trên toàn thế giới, có thể thấy mọi quốc gia phát triển đều có chung xu hướng đó, và tình hình tại Mỹ cũng không có gì khác biệt".
"Khi nhìn vào những số liệu gần đây chúng ta có thể thở phào phần nào khi có tín hiệu lạm phát hạ nhiệt. Tuy nhiên, tôi dự đoán phải 6 tháng nữa, giá cả các mặt hàng mới có thể thực sự đi xuống. Mức độ giảm sẽ không nhanh như kỳ vọng bởi các doanh nghiệp vẫn sẽ cố gắng duy trì lợi nhuận của mình", ông Olu Sonola - Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường Mỹ, Fitch Ratings đánh giá.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, kinh tế Mỹ vẫn sẽ diễn biến tích cực, với mức tăng trưởng 2,5% trong cả năm nay. Ảnh minh họa.
Theo Reuters, những tiến bộ về lạm phát đang phải đánh đổi bằng sự suy yếu của thị trường lao động, khi số cơ hội việc làm tiếp tục giảm và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 4%. Nhiều ý kiến lo ngại nhóm người Mỹ thu nhập thấp sẽ phải đối mặt với áp lực lớn trong thời gian tới.
Cả JP Morgan và Fitch Ratings đều dự báo, chi tiêu tiêu dùng - động lực quan trọng của kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục ghi nhận sự phân hóa, khi nhóm người giàu có vẫn sẵn sàng chi tiêu, trong khi nhóm người thu nhập thấp hơn gặp nhiều khó khăn. Điều này sẽ dẫn tới sự phục hồi không đồng đều theo mô hình chữ K.
Ông Olu Sonola - Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường Mỹ, Fitch Ratings cho biết: "Chúng ta đã nói về việc kinh tế Mỹ sẽ hồi phục theo hình chữ K được một thời gian, tôi nghĩ kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục hồi phục theo mô hình này nếu lạm phát không sớm quay trở lại mức 2%. Các hộ gia đình có thu nhập thấp đang phải chịu gánh nặng lạm phát nhiều hơn những hộ gia đình có thu nhập cao. Chưa kể sẽ có thêm vấn đề nếu mức tăng lương ở nhóm thu nhập thấp chậm lại. Trong khi đó, nhóm thu nhập cao vẫn được hưởng lợi từ mức tăng trưởng đáng kể của giá trị tài sản thời gian qua".
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, kinh tế Mỹ vẫn sẽ diễn biến tích cực, với mức tăng trưởng 2,5% trong cả năm nay. Tuy nhiên, sự chưa rõ ràng trong lộ trình chính sách của FED, thị trường lao động hạ nhiệt, những biến động từ cuộc bầu cử Mỹ và cả những thách thức từ đồng USD mạnh lên có thể là những yếu tố hạn chế đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!