Hiện nhiều tổ chức tài chính đã bắt đầu đưa ra dự báo về thời điểm FED sẽ đảo ngược lại chính sách siết chặt tiền tệ hiện nay, trong bối cảnh kinh tế Mỹ tiếp tục ứng phó với các thách thức trong năm tới.
Với việc kinh tế Mỹ vẫn cho thấy các dấu hiệu vững vàng bất chấp lãi suất cao, cùng với việc lạm phát vẫn đang hạ nhiệt, Ngân hàng Bank of America đã đưa ra những dự báo có phần tương đối lạc quan về bước đi của FED trong năm 2024, đó là cơ quan này có thể bắt đầu hạ lãi suất từ giữa năm tới, với tốc độ khá chậm rãi, khoảng 25 điểm cơ bản mỗi quý.
Bà Candace Browningg - Trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu, Ngân hàng Bank of America cho biết: "Năm 2023 đã diễn ra khác với dự báo của hầu hết mọi người khi suy thoái không xảy ra và việc cắt giảm lãi suất cũng chưa được thực hiện. Chúng tôi kỳ vọng 2024 sẽ là năm các ngân hàng trung ương thực hiện thành công mục tiêu hạ cánh mềm, dù rủi ro thị trường xuống giá vẫn còn cao".
Quang cảnh bên ngoài Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ở Washington DC. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, các nhà phân tích từ Ngân hàng Deutsche Bank lại đưa ra những đánh giá có phần thận trọng hơn: Kinh tế Mỹ vẫn có khả năng rơi vào suy thoái nhẹ trong nửa đầu năm tới, tạo ra áp lực buộc FED cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn. Báo cáo của Deutsche Bank cho rằng, FED có thể hạ tổng cộng khoảng 1,75 điểm phần trăm trong năm 2024, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể tăng mạnh lên mức 4,6% vào giữa năm tới.
Hiện FED và các ngân hàng trung ương cũng đang giữ quan điểm thận trọng xung quanh bài toán lãi suất. Trả lời họp báo sau cuộc họp chính sách tháng 11, Chủ tịch FED Jerome Powell vẫn khẳng định mối quan tâm của FED lúc này là đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2% một cách bền vững.
Quan điểm thận trọng cũng chi phối hội nghị các thống đốc ngân hàng trung ương vừa được tổ chức bởi Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (Trung Quốc) và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS.
Đại diện các ngân hàng trung ương đến từ Australia, Thái Lan và Anh đều cho rằng triển vọng chính sách tiền tệ vẫn chưa chắc chắn bất chấp các kỳ vọng hiện nay và vẫn còn nhiều rủi ro vĩ mô có thể tác động đến lạm phát và lãi suất trong năm tới như lạm phát dịch vụ vẫn dai dẳng hay các rủi ro tín dụng gia tăng nếu vội nới lỏng tiền tệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!