An toàn là yếu tố tiên quyết để tái khởi động du lịch trong bối cảnh bình thường mới

Theo Tổng cục Du lịch-Thứ năm, ngày 07/10/2021 07:00 GMT+7

Ngành du lịch đang từng bước phục hồi, kích hoạt trở lại cả du lịch nội địa và quốc tế. Ảnh: VGP

VTV.vn - Ngày 5/10/2021, Bộ VHTTDL đã tổ chức họp trực tuyến với sở quản lý du lịch 25 tỉnh, thành phố bàn về việc tái khởi động du lịch trong bối cảnh bình thường mới.

Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Du lịch, lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch và lãnh đạo 25 Sở Du lịch, Sở VHTTDL trên cả nước.

An toàn là yếu tố tiên quyết để tái khởi động du lịch trong bối cảnh bình thường mới - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết ngày 7/9, Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành trên cả nước. Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm tái khởi động các hoạt động du lịch, phát động du lịch nội tỉnh, đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên địa bàn và đối với người lao động trong ngành du lịch…

Đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các địa phương, Thứ trưởng cho biết hội nghị ngày hôm nay là dịp để Bộ VHTTDL và Tổng cục Du lịch lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của các địa phương, cùng bàn giải pháp tái khởi động du lịch trong bối cảnh bình thường mới.

An toàn là yếu tố hàng đầu để tái khởi động du lịch

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh yếu tố an toàn là điều kiện tiên quyết để tái khởi động ngành du lịch trong bối cảnh bình thường mới, đây cũng là tiêu chí được đưa vào trong tất cả các hoạt động du lịch với phương châm "an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn". Lộ trình mở cửa cần thực hiện theo từng giai đoạn từ du lịch nội tỉnh, du lịch nội địa đến du lịch quốc tế.

An toàn là yếu tố tiên quyết để tái khởi động du lịch trong bối cảnh bình thường mới - Ảnh 2.

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại Hội nghị

Từ ý kiến của các sở quản lý du lịch cho thấy tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 hiện nay chưa đồng đều, có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương. Có những tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao như Kiên Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh... Về vấn đề này, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị các sở quản lý du lịch tiếp tục đề xuất, kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm phân bổ vắc-xin tiêm chủng cho người lao động trong ngành du lịch trên địa bàn để sẵn sàng đón khách du lịch khi đủ điều kiện.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất cần tiến tới xây dựng một bộ tiêu chí chung trên toàn quốc về thẻ xanh (dành cho người đã tiêm đủ liều vắc-xin) và thẻ vàng (dành cho người tiêm 1 mũi vắc-xin) để tránh tình trạng hiểu và áp dụng không thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc đi lại, du lịch. Đồng thời cần có quy định về hộ chiếu vắc-xin để áp dụng đón khách du lịch quốc tế.

Các địa phương tích cực xây dựng kế hoạch đón khách du lịch

Trên cơ sở kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL ban hành ngày 7/9/2021, các địa phương đã tích cực triển khai các kế hoạch, giải pháp mở cửa du lịch. Quảng Ninh là một trong số những địa phương tích cực xây dựng các chương trình kích cầu du lịch. Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh đã mở cửa trở lại một số điểm đến đón khách tham quan như Vịnh Hạ Long, danh thắng Yên Tử… Ông Thủy cho biết, đến hết năm 2021, tỉnh sẽ miễn phí tham quan các điểm đến du lịch trên địa bàn. Căn cứ kế hoạch của Bộ và các hướng dẫn của Bộ Y tế, tỉnh cũng đã xây dựng và ban hành 2 kế hoạch đón khách nội tỉnh và khách ngoại tỉnh. Mục tiêu trong quý 4/2021, tỉnh đón từ 800 đến 900 nghìn lượt khách.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, vừa qua Thành phố đã mở tour du lịch khép kín đến Cần Giờ tri ân các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch.

Ngành du lịch Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch mở cửa du lịch định hướng theo 4 giai đoạn. Dự kiến từ tháng 10 sẽ mở lại các hoạt động du lịch đối với khách du lịch trong Thành phố, sau đó sẽ mở rộng ra đón khách từ một số địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh, và tiếp đó là mở cửa du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ tăng cường liên kết với các địa phương, doanh nghiệp để xây dựng tour, tuyến du lịch. Trong quý 4 sẽ tổ chức chuỗi sự kiện để thu hút khách, đồng thời xây dựng đề án chuyển đổi số du lịch, sàn giao dịch trực tuyến về việc làm, đào tạo nhân lực…

An toàn là yếu tố tiên quyết để tái khởi động du lịch trong bối cảnh bình thường mới - Ảnh 3.

Toàn cảnh hội nghị.

Hay như tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trước bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát, tỉnh đã mở đón khách du lịch từ một số địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… Dự kiến ngày 20/10 tới đây tỉnh sẽ họp báo công bố sàn thương mại điện tử du lịch, đồng thời có kế hoạch tổ chức hội chợ du lịch trực tuyến trong tháng 11 và tháng 12 nhằm phục vụ khách du lịch trong dịp cuối năm.

Phú Quốc - cú hích mở màn cho du lịch Việt đón khách quốc tế trở lại

Phú Quốc được lựa chọn là điểm đến đầu tiên thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Bà Quảng Xuân Lụa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, thời gian qua, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Kiên Giang đã xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND và đang trong quá trình lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan. Dự kiến, trong tháng 10, tỉnh sẽ tiến hành khảo sát và thẩm định các cơ sở dịch vụ ở Phú Quốc để chuẩn bị đón khách du lịch.

Ngay sau Phú Quốc, hàng loạt các tỉnh, thành đã chủ động đề xuất và xây dựng kế hoạch đón khách du lịch quốc tế. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa đề xuất ngay sau khi Phú Quốc thí điểm đón khách quốc tế thành công, Khánh Hòa sẽ là địa phương tiếp theo đón khách du lịch quốc tế đến bằng hộ chiếu vắc-xin, kỳ vọng vào cuối năm 2021. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, hiện nay Khánh Hòa đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ thí điểm, đảm bảo quy định phòng chống dịch. Cùng với Khánh Hòa, những địa phương khác có vị trí địa lý thuận lợi, khu vực nghỉ dưỡng khép kín, riêng biệt cũng đề xuất được đón khách du lịch quốc tế như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Định…

Tiếp tục hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về hỗ trợ dành cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tính đến ngày 21/9/2021, cả 63/63 tỉnh thành đã có báo cáo về việc hỗ trợ. Theo đó, các địa phương trên cả nước đã tiếp nhận 5.980 hồ sơ đề nghị hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch, trong đó đã thẩm định và phê duyệt cho 4.907 hồ sơ hướng dẫn viên, tổng số tiền chi trả trên 18 tỷ đồng.

Trước đó, trên cơ sở đề xuất của Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành có liên quan, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách giảm giá tiền điện, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ đào tạo, xem xét việc giảm tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành. Tất cả các giải pháp đã được triển khai thực hiện, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các sở quản lý du lịch báo cáo tình hình đang tích cực triển khai hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch, đồng thời đề xuất, kiến nghị những chính sách hỗ trợ tiếp theo như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất, lãi suất cho vay, hỗ trợ kinh phí đào tạo nhân lực du lịch để phục vụ mở lại hoạt động du lịch...

An toàn là yếu tố tiên quyết để tái khởi động du lịch trong bối cảnh bình thường mới - Ảnh 4.

Các đại biểu dự hội nghị.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đánh giá cao những sự chủ động, tích cực và các giải pháp của ngành du lịch các địa phương, đồng thời đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện tốt những chính sách mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL, chính quyền địa phương đã ban hành, nhất là các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch.

Tập trung thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, đáp ứng nhu cầu của người dân sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Khôi phục hoạt động du lịch tại các "vùng xanh", tiến tới kết nối các điểm đến an toàn, sau đó phục hồi hoạt động du lịch nói chung phù hợp với tình hình. Thứ trưởng nhấn mạnh đây là bước chuẩn bị cho những bước đi dài hơn, xa hơn là tiến đến đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép.

Thứ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, triển khai công tác xúc tiến quảng bá, triển khai sáng tạo các giải pháp kích cầu du lịch. Thứ trưởng nhấn mạnh kích cầu không đồng nghĩa với giảm giá sản phẩm dịch vụ mà cung cấp đa dạng các tiện ích, trải nghiệm phục vụ khách. Các địa phương cần đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn.

Trên cơ sở các ý kiến đề xuất của các địa phương, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị Tổng cục Du lịch rà soát, cập nhật, bổ sung các tiêu chí an toàn phòng chống Covid-19 trong lĩnh vực du lịch và tiêu chí đón khách du lịch nội địa. Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị ngành du lịch các địa phương căn cứ Kế hoạch 3228 của Bộ tiếp tục chủ động tham mưu UBND tỉnh, Tỉnh ủy các nhiệm vụ cụ thể về phát triển du lịch trên địa bàn, chủ động chuẩn bị tốt cho lộ trình phục hồi đã đề ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước