Nhiều tỉnh, thành cũng công bố những chương trình kích cầu du lịch riêng. Các hoạt động vui chơi giải trí sau 2 năm nghỉ dịch chưa bao giờ nhộn nhịp và lớn như dịp lễ năm nay. Báo chí trong tuần cũng bận rộn phản ánh không khí du lịch của dịp lễ khá dài này.
Du lịch "bùng nổ" vào kỳ nghỉ 30/4 - 1/5
Trang nhất báo Người lao động có bài Du lịch "bùng nổ" vào kỳ nghỉ 30/4 - 1/5, dự đoán những điểm du lịch như Phú Quốc, Mũi Né, Nha Trang, Hội An, Đà Lạt, Vũng Tàu… sẽ kín khách. Các địa phương đã đề nghị các đơn vị niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết. Còn các doanh nghiệp đẩy mạnh nhiều sản phẩm du lịch mới như: tour ngắm cảnh trên cao, tour trải nghiệm cắm trại, lái xe địa hình…
Bãi Sao - địa điểm được nhiều khách du lịch lựa chọn khi đến Phú Quốc. (Ảnh: NLĐ)
Rõ ràng sau 2 năm bị hạn chế đi lại vì đại dịch, vào dịp lễ này, nhiều người sẽ có tâm lý giải tỏa trong những ngày nghỉ này.
Đi lại dịp lễ sao cho an toàn?
Vào những ngày thường, lượng xe cộ đã tăng lên đáng kể khi các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường. Còn với những ngày lễ, nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông cũng được đẩy mạnh hơn.
Theo báo Thanh niên, Công an TP Hồ Chí Minh sẽ huy động 100% lực lượng để tăng cường tuần tra kiểm soát 24/24 nhằm kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông. Các tuyến cao tốc cũng sẽ được bố trí thêm lực lượng để điều tiết, xử lý các va chạm sao cho nhanh nhất để giảm ùn tắc.
Trạm thu phí đường bộ trong dịp nghỉ lễ: Phải xả trạm nếu ùn tắc
Còn báo Tiền Phong cho rằng, sau nhiều sự cố các làn thu phí không dừng ở nhiều nơi không nhận diện được xe qua lại khiến tê liệt giao thông, trong dịp lễ này, để đảm bảo thông suốt cần cân nhắc đến việc xả trạm thu phí.
Việc xả trạm sẽ giúp tiết kiệm một khoản không nhỏ cho xã hội như: chi phí xăng dầu, chi phí thời gian, sức khỏe, chi phí cơ hội. Đây cũng là một sự sẻ chia với người dân để họ có một hành trình thuận lợi.
Đi chơi lễ đừng quên 4K
Bên cạnh việc xả trạm, ở đường du lịch hàng không, theo Bộ Y tế, tới đây sẽ bỏ khai báo y tế nội địa, việc này sẽ được làm từng bước để đưa lại cuộc sống bình thường do không còn thực hiện việc truy vết. Tuy nhiên nếu có bỏ khai báo y tế thì người dân vẫn cần tuân thủ 4K: khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung. Đây là nhấn mạnh của báo Tuổi trẻ.
Để du lịch an toàn, trải nghiệm trọn vẹn
Chứng kiến các hoạt động du lịch hồi sinh sau một thời gian dài "đóng băng" vì dịch bệnh là điều đáng mừng. Tuy nhiên với số lượng đông người đi du lịch thì rất dễ xảy ra hiện tượng quá tải cục bộ, từ đó dẫn theo một số vấn đề liên quan tới an toàn, an ninh, vệ sinh môi trường... tại khu, điểm du lịch cũng đang hiện hữu.
Du khách tham quan, mua sắm ở các khu vực trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại Phố đêm Hoàng thành Huế. (Ảnh: NLĐ)
Vì vậy, theo báo Sài gòn giải phóng, mặc dù đang có một không khí hết sức phấn chấn trong lĩnh vực du lịch, tuy nhiên điều ai cũng nhận thấy rõ là du lịch trở lại chỉ thực sự bền vững khi du khách an toàn, hành trình an toàn, điểm đến an toàn. Chỉ như vậy, du lịch mới thực sự đúng với thông điệp an toàn, trải nghiệm trọn vẹn.
An toàn, sạch sẽ, thân thiện là những sản phẩm du lịch cao cấp
Nhấn mạnh đến thông điệp an toàn, báo Lao động cho biết chỉ trong 5 ngày nghỉ Tết Nhâm Dần, có đến 3.000 ca cấp cứu do đánh nhau và cũng trong dịp Tết Nhâm Dần, có 121 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông.
Chính vì vậy, việc tăng cường an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội trong những ngày nghỉ lễ là hết sức cần thiết. Còn các địa điểm du lịch, dịch vụ, dịp lễ này, buôn bán đàng hoàng, thái độ thân thiện sẽ được du khách yêu mến và làm ăn lâu dài.
Việt Nam muốn mở cửa đón du khách quốc tế, có tham vọng làm giàu bằng công nghiệp du lịch thì xin lưu ý, an toàn, sạch sẽ, thân thiện là những sản phẩm cao cấp, tờ báo nhấn mạnh.
Du lịch Việt đang cố gắng đi bằng "hai chân"
Sau dịp lễ 30/4 - 1/5 này, Việt Nam đăng cai SEA Games 31 từ ngày 12/5 - 23/5. Đây cũng là một cơ hội vàng để du lịch Việt Nam đón khách nội địa và quốc tế, tiếp tục phục hồi nhanh hơn các hoạt động, tuy nhiên sẽ mất một thời gian để khách du lịch quốc tế thích nghi và đến Việt Nam.
Trong lúc này, dù không thể thay thế hoàn toàn, nhưng thị trường nội địa vẫn đang giữ vai trò chủ đạo của du lịch Việt hiện nay. Nói cách khác, du lịch Việt đang cố gắng đi bằng "hai chân". Thời điểm này, cần tiếp tục liên kết, hợp tác để tạo ra các sản phẩm mới, các chuỗi giá trị và cần có chiến lược tăng chi tiêu của khách ở Việt Nam, dù là khách trong nước hay khách quốc tế, đây là chiến lược để phục hồi du lịch hiệu quả, bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!