Chiến dịch tuyên truyền giúp phục hồi du lịch
I am safe - Tôi an toàn là tên ý tưởng chiến dịch truyền thông xuất phát từ một doanh nghiệp đang được cộng đồng du lịch lữ hành hưởng ứng. Với họ, điều này vừa thúc đẩy việc tăng các biện pháp an toàn, vừa chuyển tải kịp thời đến du khách về một Việt Nam vẫn an toàn để ngăn khách hủy, hoãn tour hàng loạt. Ý tưởng này là cách doanh nghiệp du lịch đang học hỏi nhiều quốc gia trong việc tuyên truyền trong và sau khủng hoảng
Sau những sự cố bị đánh bom, dịch bệnh, cơ quan du lịch Thái lập tức có những chiến dịch truyền thông, tổ chức nhiều sự kiện, mời truyền thông quốc tế, các nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội đến tham quan và kể những câu chuyện tốt đẹp về Thái Lan. Các chiến dịch này có thông điệp rất rõ ràng, nhất quán, nhờ vậy du lịch Thái Lan vượt qua những cú sốc rất nhanh. Mới đây nhất, thành phố Kyoto Nhật Bản, tranh thủ COVID-19, tung ra chiến dịch "du lịch vắng" quảng bá những điểm du lịch trong mơ bỗng trở nên lý tưởng để du lịch thời điểm này vì du khách sẽ không phải chịu cảnh chen chúc.
Với Việt Nam, lúc này chính là thời điểm tốt nhất để doanh nghiệp tận dụng đẩy mạnh thương hiệu điểm đến an toàn cho du khách, giúp tháo gỡ cho thị trường đang giai đoạn khó khăn.
Doanh nghiệp chủ động với chiến dịch kích cầu du lịch
Lập bản đồ vùng an toàn - lựa chọn các điểm đến phù hợp cho khách du lịch kể cả trong nước lẫn nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú và cả các hãng hàng không đang cùng bắt tay thực hiện để khẩn trương khôi phục thị trường.
Không chỉ liên tục cập nhật thông tin từ các địa điểm du lịch, tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế, các doanh nghiệp lữ hành còn tung hàng loạt ưu đãi giảm giá để kích cầu với mức giảm từ 30% trở lên.
Sắp tới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ thành lập một liên minh kích cầu du lịch Việt Nam gồm hàng chục doanh nghiệp hàng không, du lịch lữ hành tham gia. Chiến dịch kích cầu này sẽ khởi động ở 4 điểm đến an toàn và hấp dẫn là Phú Yên, Bình Định, Gia Lai và Đăk Lăk. Đây là cơ hội để du khách tranh thủ hưởng những ưu đãi, từ vé máy bay, chỗ nghỉ, điểm vui chơi.
Hiện tại, ghi nhận những nỗ lực phòng chống dịch bệnh rất hiệu quả, đích thân Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như một lời trấn an rằng: Việt Nam vẫn là một điểm đến an toàn cho khách du lịch và nhà đầu tư.
Hiến kế giúp ngành du lịch
Đang đóng góp trực tiếp 9,2% GDP và có thể lên tới 18% nếu tính cả mức đóng góp gián tiếp và sự lan tỏa vào GDP Việt Nam, 7 tỷ USD thiệt hại ước đoán của ngành du lịch có lẽ chưa phải là con số cuối. Chính vì vậy, du lịch đang là ngành được đặc biệt quan tâm.
Vừa qua, Hội đồng Tư vấn du lịch đã có một bức thư gửi Thủ tướng kiến nghị nhiều giải pháp nhằm phục hồi khẩn cấp một ngành kinh tế quan trọng của quốc gia sau dịch bệnh. Đó là đề xuất miễn thị thực và kéo dài thời hạn lên 30 ngày, cho phép trở lại bất kỳ lúc nào đối với các thị trường ổn định.
Với doanh nghiệp, trước mắt giảm ngay thuế giá trị gia tăng du lịch từ 10% xuống 5%. Cho phép nộp thuế chậm từ 6-12 tháng không bị phạt. Đây cũng là mong muốn và kiến nghị của nhiều Hiệp hội Du lịch các địa phương như TP.HCM. Hội đồng tư vấn du lịch còn đề xuất giải ngân cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch quốc gia để thực hiện kế hoạch hành động tiếp thị và quảng bá.
Ngày 18/2, tại trụ sở Bộ Ngoại giao Anh Quốc đã diễn ra Lễ khai trương Văn phòng Xúc tiến Du lịch Việt Nam tại Anh Quốc. Văn phòng đầu tiên tại châu Âu này là một tín hiệu tích cực cho hoạt động xúc tiến quảng bá từ việc kích hoạt nguồn quỹ hỗ trợ du lịch.
Đợt dịch lần này như một lần tổng duyệt khả năng ứng phó của từng người làm du lịch và là cơ hội để thấy rằng, giải pháp là luôn có, vấn đề chỉ là quyết tâm "vượt bão" ngay trong "tâm bão" chứ đừng chờ đến khi bão qua đi mới nhìn lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!