Trong một tuyên bố, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cho rằng quyết định trên của Tổng thống Trump sẽ gây ra những "hậu quả không mong muốn". Ông Ryan là quan chức thuộc phe Cộng hòa chỉ trích mạnh mẽ nhất kế hoạch áp thuế của Tổng thống Trump.
"Tôi không ủng hộ việc mở rộng thuế quan vì tôi nghĩ rằng sẽ có rất nhiều hậu quả không mong đợi và thiệt hại về tài sản không chỉ với người tiêu dùng mà còn cả doanh nghiệp" - ông Paul Ryan nói.
Ông Raon Johnson - Thượng Nghị sĩ Mỹ - cho biết: "Một mức thuế như vậy có thể làm hại các đồng minh, gây tổn hại đến người tiêu dùng Mỹ và ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trong sản xuất thép trên thị trường toàn cầu. Vì vậy, tôi phản đối quyết định này".
Cùng ngày, hai nhà cung cấp thép và nhôm lớn nhất cho Mỹ là Canada và Brazil đã lên tiếng phản đối. Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland tuyên bố Canada sẽ tiếp tục nỗ lực bác bỏ chính sách nâng mức áp thuế của Mỹ, mặc dù Canada được miễn trừ chính sách này cùng với Mexico.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Brazil Aloysio Nunes tái khẳng định Brazil sẽ đưa ra các bước đi cần thiết cả song phương và đa phương để bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia Nam Mỹ này.
Từ châu Âu, Cao ủy tài chính châu Âu Pierre Moscovici cho biết, Liên minh châu Âu sẽ ngay lập tức thực hiện các biện pháp đáp trả đối với các hàng hóa như thuốc lá và rượu của Mỹ.
Ông Pierre Moscovici - Cao ủy Tài chính châu Âu nói: "Chúng tôi muốn Quốc hội Mỹ, sau đó là Tổng thống Donald Trump hiểu rằng đây sẽ là một động thái cả hai cùng thua. Ngoài ra, chúng tôi sẽ có những biện pháp tự vệ".
Một đồng minh thân cận khác của Mỹ là Nhật Bản cũng ra tuyên bố khẳng định quyết định của Mỹ sẽ gây ra "tác động lớn" đối với các mối quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng như toàn cầu. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết, Nhật Bản sẽ có phản ứng phù hợp sau khi đánh giá tác động đối với các công ty Nhật Bản, cũng như các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TVOnline!