Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, nhiều nông dân và thương lái tại Trung Quốc đã tăng cường tích trữ lương thực, khiến lượng thu mua cho dự trữ quốc gia tại Trung Quốc sụt giảm và đẩy giá lương thực tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai hoành hành.
Số liệu do giới chức Trung Quốc công bố cho thấy, giá lương thực, thực phẩm tại nước này trong tháng 7 đã tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - một thước đo chính của lạm phát, cũng tăng 2,7%.
Không chỉ lương thực, các loại thực phẩm như: thịt lợn, trứng, rau xanh cũng đồng loạt tăng giá mạnh, gây khó khăn đáng kể cho người tiêu dùng Trung Quốc. Khối lượng rau xanh chuyển tới các chợ đầu mối Bắc Kinh đã giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019, khiến giá cả tăng gần 3%. Giá trứng cũng tăng 10% trong tháng 7 trong khi giá thịt lợn tăng gấp đôi.
Nông dân thu hoạch lúa mì tại Trung Quốc. (Ảnh: Xinhua)
"Trong tháng 7, giá thịt lợn đã tăng 4 tuần liên tiếp và đã tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm 2019, ví dụ như giá sườn khá đắt, lên tới 84 Nhân dân tệ/kg" - chị Tan Hongyu, nhân viên cửa hàng bán lẻ Hema Fresh, chia sẻ.
Giới chức Trung Quốc khẳng định nguồn cung nông sản hiện vẫn được kiểm soát tốt, trong khi các chuyên gia cho rằng, việc tăng giá lương thực thực phẩm sẽ không kéo dài quá lâu.
Thương lái chờ khách tại chợ ngũ cốc Tây Đông ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: AP)
Nhằm ổn định thị trường, Bắc Kinh đã bán đấu giá 6,17 triệu tấn lúa mì dự trữ trong kho tính từ đầu năm đến ngày 27/7, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu lương thực, thực phẩm từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Chỉ riêng trong tháng 6, kim ngạch nhập khẩu lúa mì của nước này đạt mức cao nhất 7 năm, trong khi lượng nhập khẩu thịt lợn, đậu tương, thực phẩm chế biến, đông lạnh cũng đều tăng vọt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!