Đưa nhãn lồng Hưng Yên ra thị trường thế giới

PV-Thứ sáu, ngày 16/07/2021 12:42 GMT+7

VTV.vn -Ngày 15/7, Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Hưng Yên và các bộ, ngành, địa phương tổ chức "Hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2021.

Đây là hội nghị trực tuyến có quy mô lớn nhất khi có sự tham gia của 12 điểm cầu trong nước và 60 điểm cầu nước ngoài từ 21 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, ảnh hương đến lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài, Hội nghị hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm nhãn Việt Nam trên cả nước, đặc biệt là doanh nghiệp tại các địa phương trồng nhãn như Hưng Yên. Theo đó, tăng cường tìm kiếm, kết nối các cơ hội kinh doanh với các đầu mối thu mua, hệ thống phân phối trong và ngoài nước, nhà xuất khẩu nước ngoài để thúc đẩy tiêu thụ sản lượng lớn nhãn năm 2021 nói riêng và các sản phẩm nông sản của tỉnh nói chung.

Đưa nhãn lồng Hưng Yên ra thị trường thế giới - Ảnh 1.

Các đại biểu nhấn nút đưa nhãn Hưng Yên lên sàn thương mại điện tử

Năm 2021, diện tích nhãn lồng cho thu hoạch của Hưng Yên khoảng 4.500 ha; trong đó, nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm chất lượng cao là hơn 1.300 ha. Sản lượng nhãn ước đạt khoảng 50.000-55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15-20%. 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, sản lượng nhãn năm 2021 đạt được là tin vui với các hộ trồng nhãn ở Hưng Yên trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra thách thức cho việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con. 

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh, thời gian tới, Hưng Yên tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp cho sản xuất, phân phối tiêu thụ nhãn và nông sản địa phương; phục vụ tốt nhất việc giao thương, kết nối tiêu thụ nhãn và các nông sản khác, không để xảy ra tình trạng được mùa rớt giá.

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra hoạt động "Khởi động chương trình đưa nhãn và nông sản Hưng Yên lên sàn thương mại điện tử"; chương trình ký kết hợp tác tạo điều kiện lưu thông, tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nhãn và nông sản Hưng Yên tại các kênh phân phối ở thị trường trong nước; sự kiện cắt băng xuất hành đưa nhãn lồng Hưng Yên vào các hệ thống phân phối.

Quả nhãn cũng sẽ được yêu thích như quả vải

Ông Hồ Toả Cầm – Tham tán công sứ phụ trách kinh tế và thương mại, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam khẳng định, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sẵn sàng kết nối để tiêu thụ nhãn và các nông sản khác tại Hưng Yên, tạo điều kiện thuận lợi để các mặt hàng nông sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Để làm được điều đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, làm cầu nối giữa tỉnh Hưng Yên và các tỉnh của Trung Quốc; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng nông sản; giới thiệu và khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, chế biến các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Đưa nhãn lồng Hưng Yên ra thị trường thế giới - Ảnh 2.

Ông Shiotani Yuichiro – Tổng Giám đốc Công ty AEON Topvalu Việt Nam cho rằng nhãn Hưng Yên cũng sẽ được khách hàng Nhật Bản đón nhận tích cực và ưa thích như trái vải

Phát biểu trực tuyến tại hội nghị, ông Shiotani Yuichiro, Tổng giám đốc Công ty AEON Topvalu Việt Nam cho biết, chuỗi hệ thống bán lẻ này đã có mong muốn giới thiệu nhãn Hưng Yên tới khách hàng tại Việt Nam sau đó hướng tới mục tiêu là xuất khẩu sang các cửa hàng AEON ở các nước châu Á lân cận.  Tuy nhiên đối với thị trường Nhật Bản, hoạt động nhập khẩu đối với nhãn Việt Nam còn hạn chế. Vì vậy, AEON cũng bày tỏ mong muốn quy chế hàng nông sản của hai nước sẽ sớm được nới lỏng, tạo điều kiện để tương lai gần nhãn Hưng Yên có thể xuất khẩu sang Nhật.

"Chúng tôi tin tưởng rằng nhãn Hưng Yên cũng sẽ được khách hàng Nhật Bản đón nhận tích cực và ưa thích như trái vải", ông Shiotani Yuichiro cho hay.

Trước đó, với quả vải, AEON đã tổ chức Lễ hội trái vải trong 1 tuần từ 14-20/6, đồng thời thúc đẩy tiêu thụ loại trái cây này tại tất cả các siêu thị với tổng sản lượng đạt gần gấp đôi năm 2020. Bên cạnh đó năm 2020, khi lệnh hạn chế nhập khẩu trái cây của Việt Nam được gỡ bỏ, đây cũng là nhà bán lẻ đầu tiên xuất khẩu trái vải qua Nhật, giới thiệu cho người tiêu dùng tại đây.

Năm 2021, doanh nghiệp tiếp tục tăng sản lượng xuất khẩu loại trái cây này lên tới 750% và ghi nhận doanh số bán hàng tại Nhật Bản đối với vải thiều Việt Nam tiếp tục tăng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước