Với hơn 20 năm kinh nghiệm cung cấp rau quả cho các chuỗi bán lẻ hàng đầu của Mỹ, trong 3 năm qua, chị Amy Nguyễn đã tiếp thị thành công và đưa được trái vải Việt Nam vào các chuỗi siêu thị ở khu vực Bắc Mỹ. Năm nay, công ty phối hợp với địa phương để tìm kiếm thêm các nhà vườn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu
Ông Lâm Nguyên Năng - Bí thư Đảng ủy xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết: "Đến thời điểm này trên địa bàn xã Tân Mộc đã có 40 ha là được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đi Mỹ và Úc và 350 ha vải đã được sản xuất theo tiêu chuẩn ViệtGap. Quả vải của xã Tân Mộc đã đủ điều kiện xuất khẩu đi nước ngoài, đem lại kinh tế phát triển ổn định trên địa bàn xã".
"Các doanh nghiệp của ta tại Mỹ làm ăn, sinh sống tại địa bàn sở tại, do vậy có điều kiện hiểu biết về luật pháp, văn hóa, về nhu cầu thị trường", ông Nguyễn Trác Toàn - Nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại TP. San Francisco, California, Hoa Kỳ cho hay.
Trước khi sang tới Mỹ, quả vải ở phía Bắc phải đưa vào TP Hồ Chí Minh để chiếu xạ, rồi đợi làm lạnh trước khi chuyển đi. Cước vận chuyển đường hàng không sang Mỹ cũng rất cao. Để giải quyết vấn đề này, trên cơ sở nghiên cứu đặc tính của quả vải, với dây truyền thiết bị và công nghệ đưa từ Mỹ về cùng sự hỗ trợ trực tiếp của các chuyên gia Israel, hiện quả vải tươi lâu hơn để có thể vận chuyển bằng đường biển, giúp cắt giảm đáng kể về chi phí so với bằng đường hàng không.
Ông John J. Hurley - Giám đốc khu vực - Cục Kiểm dịch động thực vật - Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết: "Tôi nghĩ rằng có thêm bất kỳ cơ sở chiếu xạ nào ở gần điểm thu hoạch và sản xuất, sẽ mang lại lợi ích cho người nông dân và nhà sản xuất. Chính phủ Hoa Kỳ hiện đang tích cực hợp tác với Chính phủ Việt Nam để có được một cơ sở được phê duyệt ở phía Bắc".
"Vải rất dễ bị khô trong quá trình bảo quản. Trước đây các đơn vị đóng gói sử dụng hóa chất để giữ cho vải không bị khô. Chúng tôi đã hợp tác với Dragonberry để nghiên cứu phương pháp bảo quản trái vải mà không sử dụng hóa chất", ông Shay Zeltzer - Giám đốc Công ty PostharvestHub, Israel cho biết.
Những năm qua, trái vải Việt Nam đã dần xuất hiện ở nhiều thị trường lớn có tiêu chuẩn cao như Mỹ, Nhật, EU. Năm nay sản lượng có sụt giảm nhưng với nhiều giải pháp đang triển khai, các địa phương vẫn kỳ vọng tiêu thụ vải năm nay tổng thu bằng năm 2023.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!