Dừa Việt xuất Trung Quốc sẽ đem về gần 400 triệu USD mỗi năm

Kate Trần-Chủ nhật, ngày 08/09/2024 09:17 GMT+7

VTV.vn - Để mỗi năm đem về cho đất nước gần 400 triệu USD từ thị trường Trung Quốc, trái dừa Việt cần đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe.

Dừa tươi xuất Trung Quốc sẽ đem về 400 triệu USD

Trao đổi với phóng viên về câu chuyện xuất khẩu trái dừa, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) thông tin, dừa Việt Nam đang đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới. ăm 2023, xuất khẩu dừa và sản phẩm của dừa của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 900 triệu USD, chủ yếu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...Trong đó, Mỹ là thị trường nhập khẩu dừa lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 51% tổng kim ngạch xuất khẩu dừa tươi.

Tính đến nay đã có trên 10 loại trái cây, nông sản Việt Nam đã được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc - một thị trường đầy tiềm năng với quy mô dân số lớn nhất toàn cầu. Trong đó, không thể không kể đến gần đây nhất, vua trái cây sầu riêng đã khuấy đảo thị trường tỷ dân này với kim ngạch gia tăng mạnh mẽ từng tuần.

Bên cạnh sầu riêng, một loại trái cây đang vươn mình mạnh mẽ trên bản đồ xuất khẩu, đó là dừa tươi. Trao đổi với phóng viên VTV Times, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Trung cho biết, Việt Nam thuộc tốp 10 nước trồng dừa lớn nhất thế giới và có lợi thế rất lớn đối với dừa tươi. Hơn thế nữa, từ những nguồn lực sẵn có, thời gian qua, nhà sản xuất tại các địa phương đã tiến hành canh tác dừa theo tiêu chuẩn GAP, Global GAP, hữu cơ…nâng cao chất lượng sản phẩm; rất hiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nông trại dừa hữu cơ, đăng ký mã vùng trồng và mã sản phẩm xuất khẩu cho trái dừa tươi, ngày càng cho ra nhiều sản phẩm tiêu chuẩn cao. 

Tính riêng trong năm 2023, dừa tươi của Việt Nam xuất khẩu sang 15 nước trên thế giới với sản lượng 30.000 tấn, dừa khô và các sản phẩm dừa khô cũng xuất khẩu được hơn 300.000 tấn.

Riêng với thị trường Trung Quốc, từ tháng 8/2023, Hải quan Trung Quốc đã gửi thư rà soát sản lượng, để làm báo cao chung tiến tới nghiên cứu xuất khẩu chính ngạch trái dừa tươi. Vừa qua, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư cho phép dừa tươi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.

Theo thống kê, hàng năm Trung Quốc tiêu thụ hơn 4 tỉ trái dừa, trong đó có khoảng 2,6 tỉ dừa tươi. Trong khi năng lực sản xuất của Trung Quốc còn hạn chế còn nhu cầu lại cao nên sẽ buộc phải nhập khẩu. Đây chính là cơ hội cho trái dừa Việt Nam. "Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể đạt 300-400 triệu USD một năm sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho ngành hàng dừa cũng như ngành nông nghiệp nước ta", Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

Chia sẻ về mặt hàng xuất khẩu đầy tiềm năng này, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhấn mạnh, dừa được xem là ngành hàng 'tỷ đô'. Được xuất chính ngạch sang Trung Quốc, dừa góp phần giúp ngành rau quả Việt Nam tiếp đà tăng trưởng trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Dừa Việt đi Trung Quốc cần chuẩn bị gì?

Cây dừa là một trong 6 loại cây được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào Đề án và phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030.

Chia sẻ về lộ trình cho dừa Việt đi Trung Quốc, ông Hoàng Trung cho biết, ngày 11 - 12/9 tới, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam kiểm tra trực tuyến các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi của Việt Nam đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc về chất lượng. Đây là "một bài kiểm tra" quan trọng đối với trái dừa xem có thể đáp ứng được các quy định của nghị định thư hay không và mức độ ra sao để hoàn thành việc đăng ký xuất khẩu.

Được biết, trong lần kiểm tra sắp tới của Trung Quốc, mỗi ngày có 3 đoàn kiểm tra song song. Trung Quốc sẽ lựa chọn ngẫu nhiên 24 vùng trồng và 12 cơ sở đóng gói để kiểm tra.

Dừa Việt xuất Trung Quốc sẽ đem về gần 400 triệu USD mỗi năm - Ảnh 3.

Dừa và các sản phẩm từ dừa được đánh giá là ngành hàng "tỷ đô".

Vì vậy, để chuẩn bị cho đợt kiểm tra sắp tới, qua đó đưa dừa tươi Việt Nam có thể xuất khẩu sang Trung Quốc sớm nhất, Bộ NN&PTNT đã có yêu cầu cụ thể đối với 15 tỉnh, thành đang trồng nhiều dừa. Trong đó yêu cầu, các địa phương, cơ sở đóng gói, vùng trồng bố trí đủ nguồn lực, điều kiện; Doanh nghiệp phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ với vùng trồng, cơ sở đóng gói để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT yêu cầu các hệ thống kiểm dịch thực vật tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong xuất khẩu nhưng cũng phải đảm bảo việc kiểm tra, kiểm soát lô hàng xuất khẩu.

Điều đáng chú ý chính là để đi vào thị trường Trung Quốc, vấn đề về đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật rất nghiêm ngặt. Trong đó, cần đáp ứng đủ 9 điều: Dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm dừa tươi (cả quả có vỏ xanh và cuống ngắn nhỏ hơn hoặc bằng 5cm và dừa không có vỏ).

Dừa phải tuân thủ các luật về kiểm dịch thực vật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến an toàn và vệ sinh thực phẩm của Trung Quốc, không bị nhiễm các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm, cành, lá và đất.

Tất cả các vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; được cả Tổng Cục Hải quan Trung Quốc (GACC) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ gửi cho GACC danh sách các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ được cập nhật thường xuyên. GACC sẽ đăng tải danh sách này trên website.

Tất cả các vườn trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, đồng thời áp dụng theo nguyên tắc Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), thực hiện chương trình quản lý để giám sát vùng trồng đối với các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm.

Tất cả các vùng trồng phải lưu giữ hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật gây hại, hồ sơ này sẽ được cung cấp cho GACC khi có yêu cầu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc cán bộ được ủy quyền sẽ giám sát quy trình sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển dừa xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trước khi xuất khẩu, cán bộ kiểm dịch thực vật tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%.

Theo lãnh đạo ngành Nông nghiệp, trong 2 năm đầu tiên, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống còn 1%. Dừa của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc được GACC cho phép nhập khẩu trái cây./.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước