Đức nỗ lực thu hút nhân tài trong ngành sản xuất chip

VTV Digital-Thứ tư, ngày 24/05/2023 15:58 GMT+7

VTV.vn - Đức đang nỗ lực thu hút nhân tài trong lĩnh vực chế tạo và phát triển chip tới làm việc tại bang Saxony.

Trong những năm gần đây, cuộc đua sản xuất chất bán dẫn đang là cuộc cạnh tranh quyết liệt của Mỹ và Trung Quốc, trong khi "dấu ấn" của châu Âu trong cuộc cạnh tranh này không nhiều. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát kéo theo nguồn cung chip bị thiếu hụt trầm trọng đã khiến nhiều quốc gia châu Âu phải thay đổi lập trường, trong đó có Đức.

Lĩnh vực sản xuất bán dẫn hiện đang thu hút sự chú ý của cả thế giới. Không nằm ngoài cuộc đua hiện nay, Đức đang nỗ lực thu hút nhân tài trong lĩnh vực chế tạo và phát triển chip tới làm việc tại bang Saxony - nơi được mệnh danh là thung lũng Silicon tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Global Foundries - nhà sản xuất chip lớn thứ 4 thế giới có trụ sở tại Mỹ - đã liên tục mở nhà máy công nghệ cao tại thành phố Dresden, bang Saxony, miền Đông nước Đức từ năm 2009 đến nay.

Infineon - công ty bán dẫn lớn nhất Đức đang có kế hoạch mở một nhà máy sản xuất chip trị giá 5 tỷ Euro dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2026. Hãng công nghệ bán dẫn hàng đầu thế giới TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) cũng sẽ xây dựng một nhà máy khác trị giá 10 tỷ Euro.

Tại Dresden, Saxony - cụm công nghiệp chuyên sản xuất vi mạch của Đức đang là thung lũng của khoảng 200 công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chất bán dẫn.

Ông Sven Bayer - Công ty sản xuất chip bán dẫn Global Foundries, Dresden, Đức cho biết: "Trong lịch sử, Dresden từng là trung tâm sản xuất chất bán dẫn của Đông Đức với các công ty như Robotron. Vì vậy, thành phố này đã có sẵn môi trường và lực lượng lao động cho ngành công nghiệp sản xuất chip".

Đức nỗ lực thu hút nhân tài trong ngành sản xuất chip - Ảnh 1.

Đức đang nỗ lực thu hút nhân tài trong lĩnh vực chế tạo và phát triển chip tới làm việc tại bang Saxony. (Ảnh minh họa - Ảnh: Shutterstock)

Global Foundries hiện đang tuyển dụng những nhân sự lành nghề ở mọi lứa tuổi trong khu vực và từ 45 quốc gia khác nhau tới làm việc tại Dresden như những kỹ sư đến từ Ấn Độ và Indonesia…

"Tại đây, tôi được làm việc với những con người có tư duy tuyệt vời. Tôi cảm thấy mình cần phải học hỏi nhiều điều mỗi ngày", chị Lindarti Purwaningsih - Kỹ sư của công ty Global Foundries, Đức cho biết.

Chị Laura Hernandez - Công ty RAYCICS, Dresden, Đức nói: "Khu vực này có công ty sản xuất chip bán dẫn Global Foundries, các công ty thiết kế, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực chip bán dẫn. Vì vậy, các cơ hội dành cho nhân sự làm việc trong lĩnh vực này ở thung lũng silicon Saxony là rất lớn".

Có tới 20.000 chip bán dẫn nằm gọn trong một tấm silicon siêu mỏng và sẽ cần tới khoảng 5 tỷ Euro để mở một nhà máy sản xuất chip bán dẫn. Vì vậy, nguồn trợ cấp của chính phủ dành cho ngành này là đặc biệt quan trọng.

Đức năm ngoái cho biết sẽ dành 14 tỷ Euro để trợ cấp cho các doanh nghiệp chip đến mở nhà máy. Còn ở cấp độ toàn châu Âu, tháng 2, Liên minh châu Âu đã thông qua đạo luật chip, trị giá khoảng 42 tỷ Euro. Mục tiêu là tăng tỷ trọng sản xuất chip toàn cầu của EU từ 10% lên 20% vào năm 2030. Khoản hỗ trợ này của EU đang tạo điều kiện để nhiều công ty trong lĩnh vực sản xuất chip lựa chọn phát triển tại khu vực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước